
KHỞI NGUỒN VĂN HÓA THƯỞNG HOA Ở NHẬT BẢN
Thưởng hoa, hay Hanami (花見) trong tiếng Nhật, là một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của đất nước Mặt Trời mọc. Tuy nhiên, Hanami không chỉ đơn thuần là việc ngắm nhìn hoa nở mà còn là sự hòa quyện giữa thiên nhiên, thi ca, tinh thần cộng đồng và chiều sâu lịch sử kéo dài hơn một thiên niên kỷ.
Hanami: Không chỉ là ngắm hoa anh đào
Từ "Hanami" ghép bởi hai chữ “Hana” (花 - Hoa) và “Mi” (見 - Ngắm nhìn), thường được dùng để chỉ hoạt động ngắm hoa anh đào (Sakura), nhưng thực tế từ này bao hàm cả việc thưởng lãm các loài hoa mùa xuân khác như hoa mơ (Ume) hay hoa đào (Momo).
Lần đầu tiên Hanami được ghi nhận là vào năm 812 dưới thời Thiên hoàng Saga, khi loài hoa được ngắm chủ yếu vẫn là hoa anh đào. Dù từ “Sakura” đã xuất hiện từ thời kỳ Nara (710–794) và được ghi chép trong tập thơ cổ Manyoshu (Vạn Diệp Tập), nhưng phải đến thời kỳ Heian (794–1185), Hanami mới thực sự trở thành một phong tục có tổ chức trong giới quý tộc.
Ảnh hưởng từ Trung Hoa và bước chuyển bản địa
Khởi thủy, Hanami chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa khi người Nhật Bản cử sứ thần sang học hỏi văn hóa Đường. Khi trở về, họ mang theo phong tục ngắm hoa mơ. Tuy nhiên, trong tiến trình bản địa hóa, người Nhật đã chọn hoa anh đào làm trung tâm cho hoạt động Hanami, bởi vẻ đẹp thoảng qua và tinh thần vô thường (mujou) mà Sakura tượng trưng.
Thiên hoàng Saga được cho là người đầu tiên tổ chức tiệc Hanami dưới tán hoa anh đào tại đền Jishu với âm nhạc, ẩm thực và thi ca. Kể từ năm 831, Hanami dần trở thành nghi thức xã hội quan trọng trong giới quý tộc và được miêu tả sinh động trong Truyện Genji, tác phẩm văn học đầu tiên trên thế giới mang tính tiểu thuyết.
Hanami từ quý tộc đến quảng đại quần chúng
Đến thời kỳ Azuchi-Momoyama (thế kỷ 16), Hanami lan rộng ra ngoài giới quý tộc. Tướng quân Toyotomi Hideyoshi từng tổ chức những đại tiệc Hanami quy mô lớn: năm 1594 tại Yoshino (Nara) cho 5.000 người và năm 1598 tại đền Daigo (Kyoto) với 1.300 khách mời cùng 700 cây anh đào được trồng mới.
Trong thời kỳ Edo (1603–1868), Hanami trở thành hoạt động phổ biến trong dân gian, nhờ vào sự xuất hiện của giống anh đào Somei-yoshino – kết quả lai tạo giữa giống Ohshima và Edohigan. Đây là giống Sakura phổ biến nhất tại Nhật ngày nay, chiếm đến 80% số lượng hoa anh đào trên toàn quốc.
Đa dạng chủng loại và biểu tượng văn hóa
Theo Hiệp hội Hoa Anh Đào Nhật Bản, hiện nay có hơn100 giống Sakura chính thức, chưa kể hơn 200 giống lai, với đủ màu sắc từ trắng, hồng phấn đến hồng rực, cùng sự khác biệt về kích thước hoa, số lượng cánh và chiều cao cây.
Một trong những cây anh đào tiêu biểu nhất là Miharu Takizakura tại tỉnh Fukushima – hơn 1.000 năm tuổi, cao 13,5m, tán rộng 25m – được công nhận là Di tích Thiên nhiên Quốc gia.
Hanami thời hiện đại: từ truyền thống đến đời sống thường nhật
Ngày nay, mỗi độ xuân về, người Nhật lại mang theo cơm hộp bento, thảm ngồi và thức uống đến các công viên để quây quần dưới gốc anh đào. Dù mục đích là ngắm hoa, không khí của Hanami lại giống như một lễ hội ngoài trời – nơi mọi người ăn uống, trò chuyện, thậm chí hát hò và… say rượu từ sáng đến tối.
Một biến thể thú vị là Yozakura – thưởng hoa vào ban đêm. Dưới ánh đèn lồng lung linh, hoa anh đào trở nên huyền ảo và buổi tiệc thêm phần náo nhiệt.
Dù mang dáng dấp một buổi tiệc dân gian, Hanami vẫn lưu giữ trọn vẹn tinh thần thưởng ngoạn thiên nhiên và kết nối cộng đồng – điều đã ăn sâu vào đời sống người Nhật qua hàng thế kỷ.