“Kumade” – Bàn tay gấu may mắn trong văn hóa Nhật Bản
Khi tiết trời Nhật Bản bắt đầu trở lạnh, cây anh đào và lá bạch quả phủ kín mặt đất, một loại cào tre được gọi là “Kumade” rất hữu ích khi thu gom lá rụng. Được ghép từ chữ “Kuma” – “con gấu” và “Te” – bàn tay, Kumade có nghĩa là “bàn tay gấu”. Đây vốn là chiếc cào tre được người Nhật sử dụng trong nghề nông từ thời xa xưa.
Trong thời kỳ Edo (1600-1867), người Nhật bắt đầu gắn lên Kumade những vật trang trí may mắn như: mặt nạ của thần may mắn – Okame, mô hình đồng tiền vàng – Koban, Thất phúc thần hay chiếc tàu chở kho báu – Takarabune.
Với ý nghĩa “cào” những may mắn, tài lộc về cho gia chủ, Kumade thường được trưng ở những nơi trang trọng và dễ nhìn thấy như: bàn thờ – Kamidana hoặc ngoài sảnh đón khách – Genkan. Người Nhật cho rằng nếu mỗi năm bạn mua Kumade lớn hơn Kumade của năm trước, may mắn sẽ đến với bạn nhiều hơn nữa.
Kumade thường được bán ở các khu chợ ngoài trời, một phần của Lễ hội “Tori-no-ichi” (lễ hội Gà) được tổ chức tại các đền thờ khác nhau trên khắp Nhật Bản.
Lễ hội Tori-no-ichi được tổ chức vào các ngày Dậu của tháng 11. Đây là lễ hội để cầu sức khoẻ, bình an và làm ăn phát đạt. Tại lễ hội, khách hàng sẽ mua những chiếc Kumade để chào đón một khởi đầu mới cho năm mới, và đặt chúng ở những vị trí cao trong nhà hoặc nơi kinh doanh, nơi chúng được tôn kính như một lá bùa hộ mệnh.
Một địa điểm đặc biệt nổi tiếng với Lễ hội Tori-no-ichi là Đền Ohtori nằm ở ngoại ô khu Asakusa của Tokyo. Đền Ohtori là một trong hai địa điểm liên tục tổ chức lễ hội hàng năm kể từ khi bắt đầu vào thời Edo (1603-1867).
Truyền thuyết kể rằng anh hùng dân gian Nhật Bản Yamato Takeru no Mikoto, một trong những vị thần được tôn thờ ở Đền Ohtori, đã dâng một chiếc cào Kumade cho ngôi đền để bày tỏ lòng biết ơn về một cuộc chinh phục thành công vào một ngày trong tháng 11 rơi vào ngày Dậu.
Tại Lễ hội Tori-no-ichi của Đền thờ Ohtori, các gian hàng của khoảng 160 cửa hàng Kumade được xếp thành hàng bán các sản phẩm cỡ quạt Uchiwa tiện dụng và sản phẩm có kích thước khổng lồ để trang trí văn phòng.
Mỗi lá bùa may mắn Kumade bao gồm các thanh tre mảnh có dán giấy lên chúng, gồm nhiều Engimono như mặt nạ thần tài, đồng tiền vàng, 7 vị thần hay chiếc thuyền chở kho báu. Mỗi sản phẩm đều được làm thủ công, và những người thợ thủ công của xưởng tạo ra các sản phẩm bằng cách chia nhỏ các công việc cắt giấy theo mẫu, dán lên thanh tre, vẽ theo đường viền và tô các mẫu bằng màu sắc sống động.
Tuy vào dịp năm mới, Kumade cũng được đem ra bán, nhưng vào dịp Lễ hội Tori-no-ichi, người ta lại mua nó nhiều hơn. Vì trong tiếng Nhật, từ “tori” trong tên lễ hội khi đọc lên nghe có cảm giác rất may mắn! Nó có nghĩa là vơ vào hay tập hợp may mắn.
Nếu có dịp du lịch Nhật Bản xinh đẹp, đừng quên chọn mua chiếc cào tre Kumade cho bản thân hoặc làm quà tặng cho người thân bạn bè của mình để cầu chúc sự may mắn và thành công nhé!