Lễ Hội Higan - Lễ Thanh Minh cuối tháng 3 của người dân "xứ sở mặt trời mọc".
Người Nhật có câu tục ngữ: "Atsusa samusa mo Higan made (暑さ寒さも彼岸まで) , có nghĩa " có nóng có lạnh đi mấy đến ngày Higan cũng phải dứt ...". "Higan" là một Hán từ 彼岸 đọc theo âm, Việt Hán đọc là" Bỉ Ngạn".
“Hi” của “Higan” trong Hán tự có nghĩa là “bên kia”, “Gan” là “bờ”: dùng để ám chỉ “bờ phía bên Tây phương Cực lạc”. Ý nghĩa của Higan chính là cõi Niết bàn hay còn gọi là “Cực lạc Tịnh độ” – vùng đất thanh tịnh, một nơi người Phật tử lúc nào cũng ước muốn được đi đến đó sau kiếp này.Theo quan niệm của người Nhật Bản, vào ngày giữa của Higan (điểm phân) – mặt trời sẽ mọc ở hướng chính Đông và lặn ở hướng chính Tây – ngay trước cửa Đông của Thế Giới Cực Lạc. Đây là thời gian tốt nhất trong năm để chúng sinh hướng về phía Tây nguyện cầu mong cho linh hồn tổ tiên của họ đang trên đường vãng sinh được chư Phật độ cho siêu thoát khỏi cái kiếp luân hồi.
Tháng 9 mỗi năm dân Nhật được hưởng 2 lễ nghỉ chính thức đó là ngày "Kính lão" - 敬老の日 (9/15) và ngày "Aki higan" - 秋彼岸(9/23) - họ không nghỉ lễ Trung Thu như ta hay người Trung Hoa. Trăng đêm Trung Thu (9/8) năm nay ở Bắc Mỹ thật đẹp. Người Mỹ gọi nó là "Harvest moon" và người Nhật gọi là "Chuushuu no meigetsu"(中秋の名月 ).Lễ Higan ở Nhật Bản đã có hơn 1000 năm trước. Mặc dù nó tương ứng với 2 ngày Xuân phân và Thu phân của cổ đại Trung Quốc, nhưng chỉ có đảo quốc NB coi trọng nó như 2 dịp lễ lớn của một năm và có ý nghĩa rất đặc thù. Lễ Higan kéo dài 7 ngày cho mỗi mùa trong đó ngày giữa (中日) rơi vào ngày Xuân phân hay Thu phân. Người Nhật dùng lễ nầy để báo hiếu tổ tiên.
Ngày Thanh minh ở Nhật Bản còn được xem là ngày bắt đầu mùa hoa anh đào nở, báo hiệu cho một mùa xuân bắt đầu. Sau năm 1948, Chính phủ Nhật thêm một ý nghĩa cho lễ Thanh minh là ngày ngắm thiên nhiên và sự sống. Ngoài việc thăm mộ phần tổ tiên, người Nhật thường cũng đi chùa, và đền Shinto. Họ đi cầu nguyện hạnh phúc và an vui cho cuộc sống. Trong cảnh nhộn nhịp đó, có những gia đình cả nhà mặc đồ truyền thống, những cô gái mặc kimono ôm trên tay một hộp gỗ xinh xắn… đó là những hình ảnh khó quên trong ngày lễ Thanh minh.
Trong thời gian một tuần này, người Nhật Bản sẽ thăm viếng phần mộ ông bà, tổ tiên. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa, dâng hoa, dâng hương, dâng bánh và rượu Sake cho linh hồn người đã khuất.
Xưa kia vào dịp lễ Higan người Nhật đi tảo mộ và làm lễ cúng dường theo lời chỉ dạy của các sư. Họ học 6 bộ kinh gọi là "Lục ba la mật" (六波羅密) trong dịp nầy. Vào ngày "Haru higan" người ta cúng bánh "botamochi"(牡丹餅) vào ngày "Aki higan" họ cúng bánh "ohagi"(御萩, cũng gọi là Hagi no mochi).
Thật ra về nguyên liệu bánh "botamochi" hay "ohagi" đều làm từ gạo nếp (もち米・mochigome) trong đó có bỏ nhân ngọt hoặc bọc với đậu đỏ hay đậu nành. Bánh được gọi tên khác nhau để gợi ý mùa Xuân và mùa Thu vì hoa "botan" (牡丹- mẫu đơn) và hoa "hagi" (萩- một loại ngải họ đậu) sẽ nở vào hai mùa đó.
Sau thế chiến thứ II ngày "Higan" mùa Xuân dùng để tỏ lòng biết ơn đối với Thiên nhiên cỏ cây mang đến sự sống. Ngày "Higan" mùa Thu để báo hiếu người quá cố như kể phía trên. Cũng như "Obon" (お盆・lễ Vu Lan) đàng sau phong tục nầy là lòng biết hối cải và biết phục thiện của người Nhật như những người con Phật.
Ở Tokyo nếu ta đi xe điện "Yamate-sen" (山手線) hay "Keihin- Kyuko sen (京浜急行線) thỉnh thoảng sẽ thấy đường rầy chạy đến một nghĩa địa sẽ quẹo cong hay chuôi xuống đất để tránh nó. Đây là một chứng minh cho sự tinh tế về tâm linh của người Nhật khi đối xử với người quá cố. Không vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua được.
Trúc Trần
26/12/2021Bài viết hữu ích