Tiệm Điều Ước

Lễ Hội Obon (お盆) Nhật Bản - Ngày Hội Báo Hiếu.

Admin ariesstorect Sunday, August, 2023

Lễ Hội Obon Nhật Bản
Ngày Hội Báo Hiếu

Hàng năm ở Nhật diễn ra hàng trăm ngàn lễ hội lớn nhỏ. Mỗi lễ hội gắn liền với một ý nghĩa đặc biệt đối với người Nhật. Dù là lớn hay nhỏ đều được người Nhật chuẩn bị công phu và trình diễn một cách độc đáo. Nếu như Việt Nam có ngày lễ Vu Lan thì Nhật Bản cũng có ngày tương tự mang tên lễ hội Obon. Đây là lễ hội mùa hè của người Nhật, thường được tổ chức vào 15 tháng 7 âm lịch, nhằm chào đón linh hồn tổ tiên trở về với gia đình, cầu nguyện và bày tỏ lòng thành kính đối với công lao của những người đi trước. Lễ hội này thường được kéo dài trong nhiều ngày và có nhiều nghi thức được thực hiện. Cùng Tiệm Điều Ước tìm hiểu về Lễ Hội Obon (お盆) nhé!

Tìm hiểu lịch sử ra đời lễ hội Obon tại đất nước Nhật Bản

Obon (お盆) được xem là một lễ hội Phật giáo ở xứ sở Phù Tang. Mục đích chính của lễ hội này để tưởng nhớ tổ tiên và cha mẹ, đó là những người đã khuất. Lễ hội Obon (Ô BÔN) còn có tên gọi khác là lễ hội Bon hay lễ hội của những con thuyền thả trôi sông.

Theo truyền thuyết có ghi lại câu chuyện cảm động về tình mẫu tử của một người tên là Mokuren, chính ông là đệ tử của phật giáo đã tu hành đắc đạo. Ông Mokuren mất mẹ từ sớm, vì vậy ông có tư tưởng báo hiếu thông qua việc kết nối với linh hồn của người mẹ quá cố của mình. Tuy nhiên khi gặp được linh hồn của bà mẹ, ông mới hay biết mẹ của mình đang bị đày dưới địa ngục rất khổ đau do trước đây mẹ của ông làm nhiều việc ác, trái với đạo lý con người. Day dứt bám theo ông và Mokuren quyết định tìm đến đức phật để kiếm tìm sự giúp đỡ. Cảm động trước ý định báo hiếu đó, đức phật đã đưa cho Mokuren một cách giải thoát cho linh hồn người mẹ của ông đó là hãy dâng lên những lễ vật để cúng cho các nhà tu đang tu hành trong dương gian. Thời điểm diễn ra vào ngày 15 tháng 7.

Nhờ vậy mà mẹ của Mokuren đã được giải thoát khỏi vòng đày ải dưới địa ngục, và điều này cũng làm cho ông thực sự vui mừng. Khi gặp lại linh hồn của người mẹ, ông Mokuren vui sướng nhảy múa, đó cũng là điệu múa đặc trưng của lễ hội Obon được gìn giữ cho tới ngày nay. Điệu múa gắn liền với nhân vật Mokenru đó gọi là Bon – Odori.

Theo sử sách để lại, lễ hội OBON của Nhật Bản có cách đây khoảng trên 500 năm và gắn liền với câu chuyện như trên. Nhiều yếu tố mang tính tâm linh và người Nhật họ tin rằng linh hồn của người đã khuất sẽ trở về dương gian thăm gia đình người thân họ hàng của mình. Cứ hàng năm người dân Nhật Bản lại tổ chức lễ hội Obon để để cầu nguyện cho linh hồn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã mất luôn được mát mẻ khi ở bên kia thế giới và thể hiện lòng biết ơn đối với họ.

Các nghi thức tổ chức diễn ra của lễ hội Obon tại Nhật

Ở các khu vực khác nhau tại Nhật Bản, thời điểm tổ chức lễ hội Obon cũng khác nhau. Có những vùng lễ Obon diễn ra khoảng thời gian từ 13/7 tới ngày 16/7 như vùng Tokyo, Yokohama và vùng Tōhoku. Bên cạnh đó cũng có địa phương tổ chức lễ Obon trong khoảng thời gian từ 13/8 đến 16/8, đây là ngày phổ biến rộng rãi và là ngày hội Obon lớn nhất được tổ chức tại Kyoto - Nhật Bản. Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân thường chuẩn bị rất nhiều thứ để tổ tiên về với con cháu an toàn và sau đó là an tâm trở về thế giới bên kia. Lễ hội Obon được tổ chức hai lễ chính là lễ Mukaebo (Đón các linh hồn) và lễ Okuribon (Tiễn các linh hồn) theo  trình tự nghi lễ như sau:

– Ngày 12/8: Chuẩn bị đón tổ tiên. Vào trước ngày bắt đầu Obon, người ta thường trang trí dưa leo và cà tím cắm bằng que tăm hoặc đũa được gọi là “Ngựa linh thiêng”. Dưa leo là ngựa, cà tím là bò, có ý nghĩa là “những người đã khuất sẽ lên ngựa để nhanh chóng trở lại trần gian, sau đó sẽ cưỡi bò để thong thả từ từ quay trở về thế giới bên kia”.

– Ngày 13/8, nhóm lửa đón tổ tiên – Mukaebi: ở Nhật người ta sử dụng cành cây gai Ogara để đốt lửa. Lửa biểu tượng cho phần dương, là nơi soi sáng có khói để linh hồn người đã khuất tìm về với gia đình nhanh nhất trên trần gian. Người ta cho rằng, linh hồn người đã khuất sẽ cưỡi đám khói từ ngọn lửa này để quay trở về trần gian. Nhờ đám khói này mà linh hồn người đã khuất sẽ không bị lạc đường và có thể quay về nhà mình an toàn, vì vậy đám khói này còn có vai trò như là vật chỉ đường “Michishirube”.

– Ngày 14/8 và ngày 15/8: Khoảng thời gian các linh hồn ở lại nhà. Vào thời gian này rất nhiều người trong các gia đình thường đi viếng mộ. Họ thường dọn dẹp các mộ phần cho sạch sẽ, dâng hoa, thắp hương, dâng nước để thờ cúng tổ tiên. Sau đó những người thân thuộc, họ hàng trong gia đình lại tập trung lại và cùng nhau ăn uống. Một số gia đình còn thờ cúng tại nhà. Đây cũng là thời điểm bắt đầu các sự kiện ngoài đường phố.


Bàn thờ cúng Obon vô cùng tỉ mỉ

– Ngày 16/8: Đây cũng là ngày cuối cùng trong dịp lễ Obon của Nhật Bản được diễn ra. Sau những công việc chuẩn bị đón rước, đốt lửa soi đường dẫn lối, thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, thì trong ngày cuối cùng tổ chức đốt lửa để tạm biệt tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất.

Lễ dâng lửa Obon ở Nhật Bản được tổ chức vào khoảng 20 giờ ngày 16 tháng 8, thời điểm này có hàng ngàn người đổ về Kyoto để xem những ngọn lửa được thắp sáng lên với nhiều ý nghĩa. Các điệu múa truyền thống của lễ hội Obon được tổ chức tại chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi ngay khi các đám lửa cháy hết. Daimoku và Sashi là 2 điệu múa đặc trưng và nó thường được diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Khác với lễ hội Vu lan tại nước ta được tổ chức vào cùng một thời gian, người dân Nhật Bản tổ chức lễ hội Obon tùy thuộc vào từng vùng miền khác nhau. Do người dân ở các tỉnh khác nhau sử dụng lịch cũng như phong tục tập quán khác nhau nên thời gian diễn ra lễ hội Obon không cố định. Lễ hội Obon Nhật Bản có đến 3 mốc thời gian tổ chức tùy theo địa phương:

  • Lễ hội Bon tháng bảy (Shichigatsu Bon): 15 – 7 dương lịch ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku.
  • Lễ hội Bon cũ (Kyu Bon): 15 – 7 âm lịch ở các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và các đảo ở phía Tây Nam.
  • Lễ hội Bon tháng tám (Hatchigatsu Bon): 15 – 8 dương lịch. Đây là ngày phổ biến nhất và là ngày hội Obon lớn nhất được tổ chức tại cố đô Kyoto, thu hút lượng lớn người dân và khách du lịch Nhật Bản tham gia. Bạn nhất định không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức điệu múa Odori và chiêm ngưỡng Lễ Dâng Lửa – hai nét đặc sắc nhất trong lễ hội Obon.

Các nghi thức trong Lễ hội Obon Nhật Bản

Hằng năm, cứ vào dịp tháng 8, các gia đình Nhật Bản thường quây quần lại với nhau trong một đợt nghỉ khá dài, những người con đang ở xa đều trở về thăm cha mẹ, ông bà và cùng đi viếng mộ những người thân trong gia đình. Lễ hội Obon mang ý nghĩa là dịp mà linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế. Người dân sẽ thực hiện các hoạt động giống như tục Tảo Mộ của người Việt Nam như: thăm viếng mộ, lau chùi, dọn vệ sinh, tu sửa lăng mộ và cúng để mời người thân quá cố quay về thăm nhà.

Các gia đình Nhật Bản sẽ cúng bánh khảo từ bột gạo nhiều màu sắc trông rất hấp dẫn và thường có hình hoa sen (tiếng Nhật gọi là Hasu Okashi) cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều loại được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ gọi là Obon-dana (hoặc Tama-dana). Đồ cúng được thay đổi mỗi ngày, ngày 13 là Mukaedango (Bánh đón linh hồn); ngày 14 là Ohagi (Một loại bánh bột gạo); ngày 15 là Soumen (Bún làm bằng bột mì) và ngày 16 là Okuridango (Bánh tiễn linh hồn).


Obon-dana


Mukaedango


Ohagi


Soumen


Okuridango

Lễ hội Obon lớn nhất sẽ được tổ chức tại cố đô Kyoto, hoạt động nổi bật trong dịp lễ Obon chính là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn những người đã khuất quay trở về trời. Nghi thức này thu hút rất nhiều người dân cũng như du khách từ khắp các nơi trên thế giới đến tham quan. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 chữ Đại, Diệu, Pháp, Thuyền và chữ Đại nhỏ lần lượt được thắp sáng bằng lửa trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto, mỗi chữ sẽ phát sáng khoảng gần 30 phút, tất cả sẽ tạo nên một khung cảnh thiêng liêng, ấm áp và hùng vĩ trong đêm hè ở cố đô Nhật Bản. Người Nhật Bản tin rằng ánh sáng ấy sẽ dẫn lối cho các linh hồn quay về trời một cách thanh bình và an lạc.

Cùng với đó, một truyền thống khác không thể bỏ qua khi nhắc đến Obon là điệu nhảy dân gian Bon Odori. Đây là sự kết hợp giữa nhiều điệu nhảy truyền thống và được biểu diễn một cách công phu, phức tạp. Bon Odori được biểu diễn xung quanh sân khấu được gọi là yagura. Theo đó, một người sẽ hát ở trung tâm của yagura trong khi những người xung quanh chơi các loại nhạc cụ khác nhau. Trống taiko được sử dụng phổ biến nhất. Hình thức biểu diễn này được gọi là ondo hoặc nhạc dân gian Nhật Bản. Các vũ công sẽ nhảy theo vòng tròn nhỏ xung quanh yagura. Mỗi vùng miền lại có một điệu nhảy riêng. Mọi người biểu diễn Bon Odori thường kết thành vòng tròn xung quanh yagura. Điệu nhảy có lúc được biểu diễn trong đám rước và di chuyển qua các đường phố của thị trấn. 

Trong lễ hội Obon, người ta thường mặc trang phục truyền thống Yukata, một loại Kimono với chất liệu vải mỏng và mát và cùng nhau đi dạo ngoài trời hay chơi các trò trơi dân gian rất sôi nổi và náo nhiệt như đập dưa hấu, câu cá…

Tiếp đến là nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy). Người Nhật sẽ thả thuyền hoa đăng trên sông. Bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng một dòng sông sáng lấp lánh, thơ mộng. Đây được thay cho lời chào tạm biệt để các linh hồn tổ tiên trở về thế giới riêng của họ sau chuyến viếng thăm con cháu. Ở một số nơi, nghi thức thả thuyền giấy được diễn ra cũng là lúc pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, ghi dấu lễ hội đã kết thúc.

(Sưu tầm)

 

Bạn đang xem: Lễ Hội Obon (お盆) Nhật Bản - Ngày Hội Báo Hiếu.
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng