Theo truyền thống của “xứ anh đào”, trong ngày lễ tình yêu là ngày các cô gái dành tặng cho chàng trai của mình những viên chocolate ngọt ngào. Đặc biệt hơn, những viên chocolate đó đều được các cô gái tự tay làm. Không chỉ giới hạn là chồng hay bạn trai, đối tượng được tặng cũng có thể là đồng nghiệp nam, cấp trên, bố hay anh trai… để tỏ lòng biết ơn hay sự quý trọng. Ngày 14/2 được xem như ngày dành riêng cho phái mạnh của Nhật Bản.
Khác với các quốc gia khác trên thế giới, Nhật Bản thích tặng chocolate nhân dịp này hơn là những món quà đắt tiền hay những tấm thiệp và mỗi món quà đều mang một ý nghĩa riêng.
Chính vì vậy mà Chocolate trong ngày này có đến 2 loại là: Giri-choco (義理チョコ) và Honmei-choko (本命チョコ). Giri-choco là “chocolate lịch sự”, còn Honmei-choko, thường có hình trái tim, lại mang ý nghĩa dành tặng cho người yêu thương. Lý do phái nữ tặng Giri-choco đó là không muốn những người đàn ông độc thân xung quanh họ cảm thấy “tủi thân”.
Để đáp lại tấm lòng của phái nữ thì ngày Valentine trắng 14/2 đã ra đời. Tuy nhiên, sự tích của ngày này lại không phải là một câu chuyện tình cảm lãng mạn mà lại là từ một câu chuyện kinh doanh.
Ngày Valentine trắng đầu tiên được tổ chức vào năm 1978. Nó được khởi xướng bởi Hiệp hội công nghiệp bánh kẹo quốc gia như là một “ngày trả lời” đối với ngày Valentine, rằng người nam nên trả lại người nữ đã tặng họ chocolate hoặc quà khác vào dịp 14/2. Năm 1977, công ty bánh kẹo Ishimura Manseido ở thành phố Fukuoka đã tiếp thị kẹo dẻo cho nam giới vào ngày 14/3, gọi đó là Ngày kẹo dẻo (Marshmallow Day). Dần dần, ngày này được lan rộng, không chỉ ở Nhật Bản mà còn phổ biến ở các nước lân cận như Hàn Quốc Đài Loan…
Nét đặc biệt trong những món quà mà phái nam chuẩn bị “trả lại” nửa kia của mình đó là nó phải có giá trị gấp 3 lần so với món quà họ được nhận. Nếu như giá trị chỉ bằng hoặc thấp hơn thì đồng nghĩa tình cảm của các cô gái không được đáp lại.
Nhận quà ngày Valentine đôi khi khiến nam giới cảm thấy vô cùng áp lực. Có thể giải thích rằng, khi chấp nhận món quà từ phái nữ, chàng trai đó đã chấp nhận một phần tình cảm mà đối phương dành cho mình. Một số người sẽ vui vẻ nhận lấy tất cả chocolate được tặng, nhưng cũng có một số người chỉ chờ chocolate của người mà họ cũng cảm mến mà thôi.
Người Nhật rất chú trọng trong việc chọn lựa những món quà tặng, vì nó không chỉ đơn thuần là một món đồ vật chất, nó còn mang “thông điệp ngầm” gửi đến người nhận. Và quan trọng là hãy tìm hiểu kỹ ý nghĩa món quà bạn dự định tặng, để tránh việc đối phương hiểu lầm nhé.