NGÀY 5/5: NGÀY LỄ KODOMO NO HI - TẾT THIẾU NHI Ở NHẬT BẢN
Hôm nay là ngày 5/5, các bạn có biết hôm nay là ngày gì không?
Hôm nay là ngày lễ Kodomo No Hi, là ngày tết thiếu nhi ở Nhật Bản. Không chỉ riêng gì các trẻ em mà các người lớn cũng rất háo hức để chào đón ngày này với những hoạt động vô cùng sôi nổi.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem ngày này có gì đặc biệt nhé.
1. Nguồn gốc của ngày lễ Kodomo No Hi
Nếu như ngày Quốc tế thiếu nhi của hầu hết các nước khác trên thế giới được tổ chức vào ngày 1 tháng 6, thì Nhật Bản lại có một ngày riêng dành cho các trẻ em đó là ngày 5 tháng 5. Đây là một ngày đặc biệt ở Nhật, được tổ chức nhằm mục đích cầu chúc cho tất cả trẻ em được hạnh phúc và khỏe mạnh.
Thật ra trước đây ngày Lễ Kodomo No Hi có tên gọi khác là Tango no sekku. Theo tiếng Hán cũng có nghĩa là Tết Đoan Ngọ, là ngày đánh dấu khởi đầu của một mùa hè, cũng là ngày lễ dành riêng cho các bé trai, còn ngày lễ dành riêng cho các bé gái được tổ chức riêng vào ngày 3 tháng 3. Thế nhưng ngày nay để tránh sự phân biệt giới tính, người Nhật đã gộp chung lại thành một ngày cho tất cả trẻ em Nhật Bản lại vào ngày 5 tháng 5.
Đây cũng là một trong những ngày lễ nằm trong tuần lễ vàng ở Nhật Bản. Sở dĩ được gọi là tuần lễ vàng bởi vì đây là thời điểm có nhiều ngày lễ nhất trong năm. Ngoài ngày lễ Quốc tế trẻ em thì giai đoạn này còn nhiều ngày lễ khác nữa như: Ngày sinh nhật của Nhật Hoàng, ngày môi trường, ngày thành lập Hiến Pháp…
2. Biểu tượng dành cho ngày lễ Tết thiếu nhi ở Nhật Bản
Vào những ngày này khi đến Nhật Bản, các bạn sẽ bắt gặp khắp nơi trên đất nước Nhật hình ảnh cờ cá chép Koi đầy những sắc màu rực rỡ.
Lá cờ cá chép này có tên gọi là Koinobori. Trong tiếng Nhật “Koi” chính là cá chép, còn “Nobori” có nghĩa là cây sào bằng tre. Vì vậy tên gọi Koinobori có nghĩa là cây sào có gắn lá cờ hình cá chép. HÌnh ảnh cá chép này vốn bắt nguồn từ truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hóa rồng của Trung Quốc.
Từ thời Edo vào ngày 5 tháng 5, các gia đình ở Nhật đã bắt đầu treo cờ cá chép trước sân nhà để cầu cho con trai của mình luôn luôn khoẻ mạnh và vươn lên trong cuộc sống như hình ảnh cá chép vượt vũ môn và hoá rồng.
Số lượng và màu sắc của cá chép còn mang ý nghĩa tượng trưng cho các thành viên trong gia đình: Cá chép màu đen tượng trưng cho người cha, cá chép màu đỏ tượng trưng cho người mẹ và cá chép màu xanh tượng trưng cho trẻ em. Một số nơi còn treo số lượng cá chép để tượng trưng cho số lượng thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, ngày nay bên canh cạnh hình ảnh cá chép người ta còn trưng bày các búp bê võ sĩ mặc áo giáp (gọi là yoroi).
3. Những hoạt động trong ngày lễ Kodomo No Hi
Đây là một ngày lễ vô cùng đặc biệt, không chỉ đối với các trẻ mà còn ảnh hưởng đến những người trưởng thành. Bởi người Nhật rất chăm chỉ làm việc nên quanh năm họ rất ít được nghỉ ngơi, mà ngày lễ Tết thiếu nhi lại rơi vào tuần lễ vàng, là tuần lễ được nghỉ dài nhất của người Nhật, nên tất cả mọi người đều rất háo hức chứ không riêng gì trẻ em.
Rất nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức để phục vụ cho cả trẻ em và người lớn.
Ngoài ra các bạn còn được thưởng thức những món ăn ngon đặc trưng vào ngày lễ này, đó là món bánh gạo Kashiwa mochi. Một món bánh ngọt có nhân mứt đậu đỏ ở giữa và được gói bằng lá cây sồi. Bởi vì lá cây sồi sẽ không rụng cho đến khi chiếc lá mới mọc lên nên người ta cho rằng đây là vật may mắn mang ý nghĩ con cháu đông đúc, sum vầy.
4. Các địa điểm trải nghiệm tết thiếu nhi đặc sắc ở Nhật Bản
Nếu có cơ hội đến Nhật Bản các bạn hãy đến những địa điểm này để cùng trải nghiệm không khí tết thiếu nhi ở đây nhé.
- Tháp Tokyo:
Tháp Tokyo – một biểu tượng của thành phố Tokyo – hằng năm từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 có trang trí theo chiều cao của tháp Tokyo lá cờ cá chép và một lá cờ cá thu đao (sanma) khổng lồ. Cờ cá thu đao có ý nghĩa cầu mong sự phục hồi sau trận Động đất sóng thần miền Đông Nhật Bản 2011.
- Tokyo Midtown:
Tại khu phức hợp đại quy mô Tokyo Midtown, mỗi năm từ khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 đều trưng bày khoảng 100 lá cờ cá chép nghệ thuật. Những mẫu cờ này do nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước thiết kế theo sự hợp tác giữa khối đại học mỹ thuật ở Tokyo và đại sứ quán các nước.
- Sông Kokubu – thành phố Ichikawa, tỉnh Chiba:
Từ Tokyo vừa qua khỏi sông Edo là đến sông Kokubu. Tại đây hằng năm vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng có hơn 500 chú cá chép tung tăng trên nền trời. Sông Kokubu chỉ là sông nhỏ nhưng xung quanh không có nhà cao tầng nên cảnh cờ bay phấp phới trên trời trông thật thích mắt, lượng người đến tham quan sự kiện mỗi năm một tăng thêm.
- Sông Sagami – thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa:
Cách Shinjuku tầm 1 giờ 40 phút tàu điện, sông Sagami cũng là một trong các địa điểm cờ cá chép nổi tiếng của vùng thủ đô. Hai bờ sông được giăng dây và thả 1200 lá cờ cá chép như phủ kín khoảng trời.
Tết thiếu nhi ở Nhật Bản là một ngày lễ mà tất cả trẻ em và cả người lớn mong chờ, là cơ hội để cả gia đình và người thân bên nhau.
Chúc các trẻ em Nhật Bản hôm nay có một ngày lễ tết thiếu nhi vui vẻ nhé.
Hình ảnh Tiệm Điều Ước thỉnh omamori đặc biệt trong dịp lễ thiếu nhi ở Nhật Bản