Samurai Nhật Bản là một trong những nét đặc trưng của xứ Phù Tang. Có rất nhiều câu chuyện kể về những Samurai huyền thoại hay những bí ẩn về những chiến binh này. Cho đến ngày nay, Samurai tuy không còn hiện hữu trong cuộc sống nhưng nó vẫn có ảnh hưởng to lớn đến văn hóa và mang những giá trị tinh thần không thể bỏ qua.
Samurai Nhật Bản là gì?
Samurai theo tiếng Nhật là 侍. Nếu đọc theo kiểu romaji tức là Samurai còn nếu đọc theo phiên âm hán việt thì đó là chữ “Thị”. Nếu phân tích về ngữ nghĩa, chữ “Thị – 侍” được ghép bởi chữ Nhân và chữ Tự. Nhân nghĩa là người, Tự nghĩa là đền chùa hay nơi quan ở. Chữ Nhân đứng trước chữ Tự ám chỉ người coi cửa của quan phủ tức là thị vệ, đầy tớ, người hầu của quan phủ. Nếu phân tích định nghĩa, samurai là một tầng lớp, giai cấp ở thời kỳ phong kiến Nhật Bản.
Nguồn gốc về sự ra đời của các Samurai Nhật Bản
Samurai là một giai cấp, một tầng lớp trong xã hội phong kiến Nhật Bản. Thực tế, tầng lớp này đã có từ thế kỷ thứ 3 nhưng phải đến tận thế kỷ thứ 12 mới chính thức được công nhận là một tầng lớp trong xã hội. Thực chất, Samurai là một lực lượng bao gồm các võ sĩ được Mạc Phủ Đằng Nguyên bồi dưỡng tạo thành một thế lực trung thành bảo vệ cho địa vị của dòng họ Đằng Nguyên. Các võ sĩ này được Mạc Phủ bồi dưỡng thấm nhuần tư tưởng với 3 phẩm chất chính là trung thành – can đảm – danh dự. Chỉ khi đạt được các tố chất này thì các võ sĩ mới chính thức được công nhận là một samurai hay võ sĩ đạo. Từ “đạo” trong từ võ sĩ đạo chính là ám chỉ các yếu tố mà một võ sĩ cần phải có để trở thành samurai.
Tinh thần võ sĩ đạo của Samurai Nhật Bản
Võ sĩ đạo được người đời lưu truyền với rất nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng tất cả đều nói lên những người võ sĩ đạo là những người mạnh mẽ, chính trực và thanh tao. Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ có mong muốn trở thành một samurai chân chính cần phải tập luyện võ thuật, kiếm thuật, cưỡi ngựa, bắn cung, thực hành trà đạo, am hiểu về thi ca, hội họa … Khi các võ sĩ này lĩnh hội được 3 yếu tố là trung thành – can đảm – danh dự khi đó họ mới được chính thức coi là một samurai chân chính và 3 yếu tố trên chính là 3 yếu tố cấu thành tinh thần võ sĩ đạo. Tinh thần võ sĩ đạo được lưu truyền gồm 7 quy tắc đạo đức:
- 義 (Gi – Công lý):các samurai Nhật Bản luôn đặt danh dự và lòng tự trọng lên trên tiền bạc, tự chủ được bản thân, không để những ham muốn cám dỗ làm sa ngã, tinh thần trượng nghĩa chống lại mọi thế lực xấu xa, tàn ác.
- 仁 (Jin – Nhân từ):một samurai chân chính là người có lòng bao dung độ lượng lớn lao. Sự nhân từ của một samurai có thể được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng đỉnh cao của nhân từ chính là sự tha thứ cho kẻ thù của mình.
- 勇 (Yu – Can đảm):các samurai luôn là những con người can đảm nhất và coi cái chết rất nhẹ nhàng. Họ luôn quan niệm rằng “một cái chết có ý nghĩa, hơn là một cuộc sống vô nghĩa”. Chính sự can đảm này nên samurai được nhiều người liên tưởng đến hình ảnh rực rỡ nhưng ngắn ngủi của hoa anh đào .
- 礼 (Ray – Tôn trọng):các samurai luôn có tâm nệm “sự lịch sự cao nhất chính là tôn trọng”. Chính vì thế, các samurai luôn thể hiện sự tôn trọng với mọi người kể cả kẻ thù của mình.
- 誠 (Makoto – Sự chân thành):sự chân thành xuất phát từ nội tâm, những người samurai luôn là những con người chân thành nhất. Mỗi một lời nói của samurai giống như một lời hứa, đã nói thì nhất định sẽ thực hiện được.
- 名誉 (Meyё – Danh dự):“Mất danh dự giống như một vết sẹo trên cây mà theo thời gian, thay vì giúp cây phát triển lại làm cho nó còi cọc hơn”. Với các Samurai, danh dự được đặt lên trên hết và không ai có quyền phán xét một samurai trừ chính bản thân họ. Vì thế, khi danh dự bị tổn hại, samurai phải lấy lại danh dự hoặc mổ bụng tự sát để bảo toàn danh dự.
- 忠義 (Chu gi – tận tâm):tận tâm là một nguyên tắc không thể thiếu của một samurai Nhật Bản. Khi các samurai đã nhận định một chủ nhân thì nhất định sẽ tận tâm với người đó cho đến chết. Sự tận tâm của samurai còn được hiểu là sự trung thành.
Vũ khí của các Samurai Nhật Bản
Nếu so sánh với các ninja thì samurai sử dụng ít loại vũ khí hơn nhưng vũ khí của samurai cũng rất đa dạng từ các loại kiếm, cung, đoản kiếm. Dù vậy, vẫn có một số loại vũ khí rất đặc trưng của Samurai:
Katana: đây là thanh kiếm rất đặc trưng của một samurai Nhật Bản. Katana có chiều dài khoảng 60cm được làm hơi cong và chỉ có một lưỡi. Chuôi của Katana được thiết kế khá dài đủ để có thể cầm cả hai tay một cách thoải mái. Katana là vũ khí được dùng làm vũ khí chính khi các samurai chiến đấu.
Tanto: đây là đoản kiếm ngắn dùng để phụ trợ khi chiến đấu và cũng dùng khi các samurai mổ bụng tự sát.
Wakizashi: đây được coi là thanh kiếm danh dự của samurai Nhật Bản. Thanh kiếm này thường không dùng trong chiến đấu mà dùng trong những mục đích khác như chặt đầu kẻ thù bại trận.
Odachi: đây là một loại trường kiếm thường được các samurai dùng khi cưỡi ngựa chiến đấu trên chiến trường. Odachi có chiều dài từ 90 – 178 cm nên thuận lợi để tấn công tầm xa khi cưỡi ngựa.
Yumi: ngoài kiếm thì các samurai còn sử dụng cả cung nữa. Những bộ cung tên được các samurai dùng gọi là Yumi.
Aikuchi: đây là một loại đoản kiếm nhỏ hay gọi là dao găm cũng được. Thường Aikuchi không phải là vũ khí để chiến đấu mà được các samurai nữ trang bị trên người dùng để tự sát khi muốn bảo toàn danh tiết hay danh dự.
Trang phục của Samurai
Trang phục của các samurai Nhật Bản có nhiều biến đổi theo từng thời kỳ. Thường các samurai vẫn mặc kimono truyền thống nhưng cũng có những thời đại samurai lại mặc hitatare. Sau này hitatare lại được thay thế bởi loại trang phục gọi là kamishimo. Cho đến nay, kimono và kamishimo là hai loại trang phục được các samurai sử dụng nhiều nhất. Kimono chắc không cần phải giới thiệu nhiều bởi ai cũng biết rồi. Còn về kamishimo là kiểu trang phục có kiểu áo trên như áo khoác ngoài và quần kiểu ống rộng.
Ngoài trang phục thông thường là kimono và kamishimo, samurai trên chiến trường sẽ được trang bị áo giáp có mũ và mặt nạ để che chắn khi chiến đấu. Sau này trên ngực áo của các samurai còn có phù hiệu của đội quân mà họ đang phục vụ.
(sưu tầm)