Những chú mèo có vị trí quan trọng và đặc biệt trong văn hóa cũng như đời sống của người dân ở xứ sở mặt trời mọc, mèo trở thành con vật quen thuộc của nhiều gia đình là người bạn thân thiết của trẻ con. Người Nhật Bản rất yêu thích những thứ dễ thương và loài mèo lại sở hữu những ưu điểm này. Người Nhật gọi những nét dễ thương của mèo là "tsundera" trong đó "tsun" có nghĩa là kiêu ngạo và quý phái còn từ "dera" còn có nghĩa là nũng nịu. Sự quý phái, kiêu ngạo đến từ bản tính nhút nhát khó gần và cẩn của loài mèo khiến chúng trở nên dễ thương khi làm nũng với con người.
Hình ảnh những chú mèo được sử dụng trong trang trí và xuất hiện trong truyện tranh, phim ảnh. Tại Nhật Bản có một bộ truyện không chỉ nổi tiếng tại quê nhà Nhật mà còn được biết đến ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đó là bộ truyện tranh mèo máy Doremon, là nhân vật chính hư cấu trong loạt Manga cùng tên của họa sĩ Fujiko F. Fujio. Hàng loạt các sản phẩm thương mại được bán ra dùng làm vật trang trí như thú nhồi bông, figure,... cũng theo đó mà xuất hiện.
Hình Tượng phổ biến trong văn hóa Nhật Bản là chú mèo may mắn Maneki-neko được tái hiện khắp nơi trên nước Nhật và được người Nhật ưu ái dành cho cả một bảo tàng tại thành phố Seto tỉnh Aichi- nơi nổi tiếng nhất về làm mèo Maneki-neko bằng gốm xứ truyền thống trên 1.000 năm. Mỗi du khách khi đến bảo tàng sẽ được phát tặng một chiếc mũ giấy in hình mèo rất dễ thương. Theo người quản lý bảo tàng, mèo Maneki Neko là một trong ba vật may mắn ở Nhật Bản, bên cạnh Daruma Dolls và Fukusuke Dolls.
Ở Nhật Bản mèo Maneki-neko là biểu tượng cho sức khỏe, tiền bạc và sự may mắn nên gần như các trung tâm thương mại lớn, các siêu thị, cửa tiệm... đều đặt linh vật này ngay trước cửa ra vào để đón tài lộc. Những mẫu mèo Maneki-Neko thường được làm bằng thủ công và đeo nhiều thứ quanh cổ như khăng quàng, vòng đính đá, chuông,.. thể hiện lại vật trang trí cho mèo trong các gia đình giàu có ở thời kỳ Edo, Nhật Bản.
Những chú mèo may mắn Maneki-neko không đơn thuần là một linh vật hay vật trang trí ngộ nghĩnh mà còn có những truyền thuyết có từ lâu đời cùng với mèo sinh sống và được nuôi nấng ở Nhật.
Chuyện liên quan đến mèo của lãnh chúa Hikone để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Nhật Bản. Một hôm, khi ông đang trú mưa dưới tán cây trước cổng đền Gotokuji tại Edo (thủ đô Tokyo ngày nay) thì nhìn thấy một chú mèo đang vẫy tay như gọi mời .Lấy làm lạ, ông quyết định theo chú mèo bước vào đền thì tức khắc, một tia chớp giáng xuống gốc cây khi ông vừa rời khỏi.
Cảm kích ơn cứu mạng lần ấy, vị lãnh chúa trở thành mạnh thường quân bảo trợ hào phóng cho ngôi đền thiêng. Còn về phần chú mèo sau khi qua đời, đã được ông cho dựng tượng trong đền để tưởng nhớ.Câu chuyện lan truyền rộng rãi. Những du khách đến thăm đền Gotokuji bắt đầu quyên tặng những bức tượng sứ hình chú mèo để cầu may hoặc để tưởng nhớ các chú mèo cưng đã qua đời.
Bên cạnh đó còn lưu truyền một câu chuyện đời thường khác: một ông chủ cửa tiệm nghèo nhìn thấy chú mèo sắp chết đói nên thương xót và nhận về nuôi. Để báo ơn, mỗi ngày chú mèo ngồi trước cửa hiệu vẫy tay mời khách vào mua. Chẳng mấy chốc, cửa hiệu buôn bán rất tốt. Từ đó, những bức tượng mèo vẫy tay bằng sứ bầu bĩnh ra đời và trở thành biểu tượng may mắn của nhiều người buôn bán nhỏ.