Bước vào tháng 8, khi tiết trời không còn oi bức như những ngày tháng 6, nhiều người Nhật vẫn mong chờ một cơn mưa mát mẻ sẽ rơi vào ngày 7/8/2019, tức ngày mồng 7/7 âm lịch. Đây cũng chính là lễ Tanabat, ngày lễ Thất Tịch, hay còn được biết đến với tên gọi Lễ hội Ngưu Lang Chức Nữ Nhật Bản.
Lễ hội Tanabata là một lễ hội ngắm sao của Nhật Bản, có nguồn gốc từ lễ hội Qixi của Trung Quốc (Ngưu Lang Chức Nữ). Lễ hội Nhật Bản này kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai vị thần Orihime và Hikoboshi (đại diện cho chòm sao Chức Nữ và chòm sao Ngưu Lang). Hàng năm cứ vào ngày 7/7 tại Nhật Bản người ta lại tổ chức lễ hội sao hay còn gọi là ngày lễ Thất Tịch.
Lễ hội Tanabata Nhật Bản có nguồn gốc từ truyền thuyết về người con gái đã dệt nên dải Ngân hà, về một mối tình bị chia cắt, và chỉ duy nhất trong ngày 7 tháng 7 này, hai ngôi sao ở hai đầu dải Ngân Hà mới được trùng phùng.
Vào ngày này, người dân Việt Nam thường ăn đậu đỏ và đi chùa cầu duyên. Những ai còn độc thân thì sẽ nhanh chóng tìm được ý chung nhân. Còn nếu đã có đôi có cặp thì sẽ bên nhau lâu dài, tình cảm bền vững. Trong khi đó người Nhật sẽ ăn mì Somen, được ví như dải ngân hà hay tấm vải dệt của nàng Chức Nữ (Orihime). Họ còn viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để trang trí cũng như hi vọng nhận được nhiều may mắn, thịnh vượng.
CÂU CHUYỆN NGƯU LANG CHỨC NỮ
Truyện kể lại rằng, Ngọc Hoàng Thượng Đế có một người con gái được Người rất yêu chiều tên là Tanabata-tsume (Orihime) chuyên dệt lụa. Một ngày kia, khi nhìn thấy một gã chăn bò rất đẹp trai tên là Hikoboshi đi ngang qua, nàng đem lòng si mê gã điên cuồng. Cha nàng bèn gả nàng cho chàng trai chăn bò. Hai người quá say mê nhau nên suốt ngày chỉ rong chơi và chẳng chịu làm gì cả, người con gái bỏ quên cả khung cửi còn con bò của chàng trai thì lang thang khắp nơi ở trên trời.
Các vị thần rất bất bình và bắt phạt họ phải sống tận hai đầu của dòng sông Ngân. Mỗi năm một lần, họ chỉ được phép gặp nhau vào ngày bảy tháng bảy hàng năm, cho bầu trời trở nên quang đãng. Nếu trời mưa, thì có nghĩa là dòng sông trên bầu trời dâng nước quá cao và những con chim không thể cùng nhau bắc cầu cho chàng trai và cô gái gặp nhau được.
Ý NGHĨA CỦA LỄ HỘI TANABATA
Hiện nay ở Nhật Bản, vào những ngày lễ hội Tanabata, người ta thường viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Cây tre và đồ trang trí thường được đưa lên thuyền trôi nổi trên mặt sông hoặc là đốt đi sau khi lễ hội Nhật Bản này kết thúc. Màu sắc chủ đạo để trang trí cành tre theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu xanh lục, hồng vàng, trắng, đen. Ngoài ra nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân.
NHỮNG THÀNH PHỐ TỔ CHỨC LỄ HỘI TANABATA LỚN NHẤT
Ở Nhật nơi nào cũng tổ chức ngày lễ Tanabata nhưng lớn nhất là 3 thành phố Sendai (tỉnh Miyagi), thành phố Hiratsuka (tỉnh Kanagawa) và thành phố Anjou (tỉnh Aichi). Có khoảng 1000-1500 cây tre đuợc sử dụng để trang trí cho lễ hội ở Hiratsuka hoặc Sendai. Các thành phố có lễ hội lớn hầu hết đều nằm phía đông nuớc Nhật, nơi thường xảy ra nhiều thiên tai và đã bị tàn phá nhiều trong chiến tranh…
LỄ HỘI TANABATA TẠI THÀNH PHỐ SENDAI
Hàng năm, có hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với Sendai trong dịp Tanabata Matsuri. Người dân địa phương gọi lễ hội này bằng một cái tên thân mật và được nhân cách hóa là Tanabata-san nghĩa là anh (chị) Tanabata. Hơn nữa, với những ảnh hưởng tiếp thu từ Phật giáo, người Nhật mong chờ Tanabata không chỉ như là một dịp vui chơi trong những ngày hè mà còn xem đó là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã qua đời vì thiên tai cũng như hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.
(sưu tầm)