Tết Cổ Truyền thú vị tại Nhật Bản
Người Nhật Bản không có phong tục đón tết âm lịch như hầu hết các nước châu Á, mà họ đón năm mới theo lịch dương, với nhiều nghi thức hết sức đặc biệt nhưng vẫn mang phong cách riêng của một đất nước giàu truyền thống. Nào hãy cùng hòa mình vào không khí tết của người dân Nhật Bản và tìm hiểu những hoạt động thú vị họ thường làm trong dịp này.
Nguồn gốc của Tết ở Nhật Bản
Ngày Tết của Nhật Bản được gọi là Oshougatsu hay “Chính Nguyệt” theo phiên âm Hán Việt. Sự kiện Oshougatsu không chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới mà còn là kỳ nghỉ dài nhất của người Nhật. Tết cổ truyền của người Nhật bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigamisama. Ngày Tết chính thức ở Nhật bắt đầu từ ngày 01/01 đến ngày 03/01 dương lịch hàng năm.
Năm 2023, ngày Tết Nhật Bản sẽ diễn ra vào Chủ Nhật, 01/01/2023.
Những hoạt động ngày tết của Nhật Bản
1. Osoji – Tổng dọn vệ sinh :
Để chào đón vị Thần Năm mới người Nhật cũng giống người Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà cửa (大掃除) từ các điện thờ, bàn thờ rồi đến các phòng, ngoài sân vườn… Người Nhật tin rằng nếu lau chùi đi bụi bẩn để nhà sạch sẽ thì Thần Năm mới sẽ mang đến cho gia đình họ nhiều điều phúc lộc hơn.
Phong tục này được cho rằng có nguồn gốc từ nghi thức Susuharai được thực hiện ở thành Edo vào ngày 13 tháng 12. Việc chuẩn bị cho ngày Tết được bắt đầu từ Susuharai do đó mà người ta gọi ngày 13/12 là khởi đầu của ngày Tết (正月事始め – Shogatsukotohajime).
2. Trang Trí Nhà cửa:
Đây là một trong những hoạt động không thể thiếu khi đón Tết của xứ Phù Tang. Người Nhật thường chọn ngày 28 và 30 để trang trí nhà cửa. Những món đồ thường được trang trí trong ngày Tết của người Nhật là:
Shimenawa: Shimenawa được treo trước cửa nhà có ý nghĩa là xua đuổi ma quỷ và chào đón thần linh đến thăm. Ngoài ra, Shimenawa còn tượng trưng cho những điều bình yên, tốt đẹp sẽ luôn hiện hữu trong cuộc sống của gia chủ.
Kadomatsu: Kadomatsu được làm từ 3 ống tre tươi vát chéo và trang bí bởi các cành thông đánh số lẻ cùng các chi tiết khác để trông đẹp mắt hơn. Kadomatsu sẽ được đặt ở cạnh cửa nhà hoặc công ty với ý nghĩa một năm mới hanh thông, có sức khỏe tốt và sức sống bất diệt. Bạn biết không 2 cây Kadomatsu được đặt ở hai bên cửa ra vào có một cây là giống cái và một cây là giống đực
Wakazari: Wakazari được đặt trong bếp, là một vòng tròn được quấn bằng rơm với ý nghĩa cảm ơn thần lửa và thần nước.
Kagamimochi
Là bánh mochi làm bằng gạo nếp để dâng lên Thần Năm mới. Kagamimochi (鏡餅) có 2 tầng lớn nhỏ thể hiện cho mặt trời và mặt trăng, âm và dương với mong ước một năm viên mãn tràn đầy may mắn.
Mì Toshikoshisoba
Người Nhật ăn mì soba này vào tối trước giờ Giao thừa với hi vọng về sức khoẻ và sự bền bỉ. Ngoài ra việc thêm hành (Negi) vào trong bát mì nó vừa mang ý nghĩa cảm ơn (Negairai – 労い) một năm đã cố gắng và mong ước (Negi – 祢宜) cho năm mới nhiều điều hạnh phúc.
Joya no Kane
Có nghĩa là tiếng chuông đêm Giao thừa. 108 tiếng chuông mang ý nghĩa xoá đi nỗi lo toan của con người ở trần gian. Ngoài ra 108 còn là con số được hợp thành từ 12 tháng – 24 tiết – 72 thời khắc trong đất trời.
Osechi
Là thức ăn ngày Tết của người Nhật được chuẩn bị từ trước đó. Ban đầu nó xuất phát là đồ dâng lên thần thánh 御節供 – Gosechiku vào ngày Ngũ Tiết. Nó còn mang ý nghĩa là ngày Tết để cho Thần Bếp có thể được nghỉ ngơi. Osechi bao gồm nhiều món nhỏ gói ghém từng mong ước của con người trong năm mới.
Nengajo
Đầu năm người Nhật thường gặp nhau để nói lời chúc mừng năm mới. Tuy nhiên đối với người mà không thể đến trực tiếp thì họ sẽ gửi đi một lá thư chúc mừng. Cho đến ngày nay thì nó đã trở thành phong tục gửi Thiệp mừng năm mới
Otoshidama
Hay còn gọi là tiền mừng tuổi. Nó bắt nguồn từ suy nghĩ là tượng trưng cho linh hồn của Thần Năm mới, khi mà người tộc trưởng chia bánh mochi cho các thành viên trong gia đình.
Hatsumode
Người Nhật tâm niệm rằng nếu đầu năm đi lễ đền chùa thì năm mới sẽ gặp được nhiều điều may mắn, hạnh phúc. Tục lệ này gọi là Hatsumode. Ban đầu nó chỉ là việc người dân tới viếng đền chùa ở gần khu vực mình sinh sống. Tuy nhiên ngày nay mọi người đi xa hơn tới những đền chùa nổi tiếng hoặc đền chùa mà có may mắn phù hợp với điều mong ước của họ trong năm đó.
Tết ở Nhật Bản mang nét đẹp truyền thống, đáng ngưỡng mộ. Từ những hoạt động lau dọn nhà sạch sẽ, đi viếng đền chùa cho đến việc thưởng thức mâm cơm ngày tết phần nào khắc họa văn hóa nước Nhật rõ nét.