Tại Nhật Bản, rước kiệu là một nghi thức thần thánh trang nghiêm không thể thiếu ở các lễ hội địa phương, hầu hết đều do thanh niên trai tráng đảm nhận. Kiệu được trang trí hoa lệ và long trọng, thể hiện đầy đủ nhất tín ngưỡng vào thần linh của người Nhật. Thế nhưng đồng nghĩa với mức độ hoành tráng là cân nặng của những chiếc kiệu đôi khi lên tới 500kg.
Lễ hội MIKOSHI ở Nhật Bản
Đây là một con số khổng lồ so với sức lực của những người khiêng kiệu. Dù một nhóm khiêng kiệu tập hợp toàn các thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh, thì họ cũng phải rước kiệu đi cả một quãng đường dài. Chiếc kiệu nặng 500kg đã khiến họ phải hao tổn rất nhiều sức lực, trải qua nhiều năm, những dấu vết trên cơ thể họ khiến nhiều người phải kinh hãi.
Đây chính là những dấu vết chai trên vai trong nhiều năm khiêng kiệu.
Do sức nặng của kiệu đè lên vai trong thời gian dài, làm máu không thể lưu thông được mới tạo thành khối u sưng to đáng sợ như vậy. Không chỉ là do một vài lần rước kiệu mà thành, nó là nhiều năm tích lại mới có thể để lại dấu vết không phai mờ. Cũng như trách nhiệm rước kiệu thần thánh trên vai không hề đơn giản.
Rất nhiều người đã để lại bình luận bên dưới những bức ảnh này bày tỏ sự kinh ngạc và sốc của bản thân. Bởi không ai nghĩ việc khiêng kiệu lại gây ra những dấu vết trông đau đớn như vậy. “Trời thì nắng, kiệu thì quá nặng, họ có thể chống đỡ được như vậy thật là quá khoẻ.”, “Tôi không thể tưởng tượng được mình ở trong vị trí đấy thì sẽ ra sao”. “Một lần nữa, những chàng trai này đã chứng minh được sức mạnh của con người là vô đối”…
Đây là niềm vinh dự, bày tỏ lòng thành kính trước thần linh
Đội vác kiệu sẽ liên tục hô vang những lời chúc tụng, động viên cho những người tham gia lễ hội, tiếng người cùng hòa với tiếng trống, tiếng nhạc nhộn nhịp tươi vui của buổi lễ. Thậm chí, trong nhiều lễ hội, những người khuân vác còn liên tục lắc lư, nhảy múa để vị thần đang ngồi trong kiệu có thể “vui vẻ’’ hòa cùng mùa lễ với người dân. Trong một lễ hội, có thể có sự xuất hiện của nhiều Mikoshi, đây cũng là lúc mà các vị thần có thể “giao lưu” với nhau.
Người dân tham gia lễ hội sẽ tỏ lòng kính cẩn, thành tâm cầu nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình, cầu thần linh luôn bảo vệ, che chở họ trước những khó khăn, sóng gió. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý về việc giữ khoảng cách với Mikoshi để tránh gây cản trở cho việc di chuyển.
Việc tham gia vào sự kiện tôn giáo và văn hóa này được coi là một đặc ân nhưng cũng vô cùng mệt mỏi. Nhiệm vụ vốn đã rất gian khổ là vác theo một cấu trúc nặng nề trên vai suốt một quãng đường dài còn khó khăn hơn khi rượu sake cũng là một phần không thể thiếu trong nghi lễ. Những người khiêng kiệu Mikoshi sẽ cần uống rượu gạo, sớm nhất là từ 6 hoặc 8 giờ sáng, trước khi bắt đầu lộ trình của họ. Do đồ uống có cồn cũng như cái nóng của thời tiết, những người tham gia sẽ phải luân phiên nhau để đảm bảo không ai bị kiệt sức.
Nguồn gốc của kiệu Mikoshi
Trong tiếng Nhật, từ “神輿” (Mikoshi) được ghép từ chữ “神” (thần) và chữ “輿”, tức là kiệu, để chỉ chiếc kiệu dành cho thần linh; hoặc cũng có thể viết là “御輿” với “御” được thêm vào để chỉ sự tôn kính.
Ngày xưa, kiệu được xem là phương tiện đi lại của giới quý tộc bởi được vận hành hoàn toàn bằng sức người. Cần phải có ít nhất từ 2 đến 4 người đặt những cán gỗ lên vai để khuân chiếc kiệu lên, đưa chủ nhân đến nơi mà họ mong muốn.
Trong Thần đạo Nhật Bản, người ta tin rằng vị thần của địa phương ngự trong đền thờ và chỉ có thể di chuyển bằng cách đặt họ trong một cấu trúc tương tự. Do đó, Mikoshi thường là một phiên bản thu nhỏ của ngôi đền.
Khi đến Nhật Bản lần đầu, các du khách sẽ cảm thấy thú vị khi chứng kiến văn hóa “thờ cúng di động”, thể hiện qua những đền thờ di động là chiếc kiệu rước thần linh Mikoshi. Văn hóa thờ cúng di động xuất hiện trong các lễ hội diễn ra xuyên suốt hằng năm và là phong tục phổ biến, gần gũi đối với người dân Nhật Bản.