Theo Kojiki (Cổ Sự Ký), Nữ thần Mặt trời tối cao trong Thần đạo - vị thần được xem là thủy tổ của dõng dõi hoàng gia Nhật Bản, đã từng nuông chiều em trai Susanoo, Susanoo gây ra đại họa bằng việc ném một con ngựa bị lột da vào căn phòng dệt và giết chết một vu nữ trong phòng.
Amaterasu cảm thấy vô cùng tội lỗi trước hành động ngông cuồng của em trai và hành vi dung túng của bản thân nên đã tự nhốt mình vào hang động Amano Iwato. Sau đó, bà lấp kín cửa hang, quyết không ló mặt ra ngoài.
Việc Amaterasu nhốt mình trong hang đã khiến thế giới chìm vào bóng đêm u tối, gây ra bao nhiêu tai họa cho nhân gian. Các vị thần đã họp bàn để nghĩ cách mời bà ra khỏi hang động, Cuối cùng nhờ vào nữ thần của lễ hội và hạnh phúc Amano Uzume mà Amaterasu đã ra khỏi hang. Để Amaterasu không trốn vào hang Amano Iwato thêm lần nữa, các vị thần đã đặt Shimenawa lên cửa hang động.
Ngoài ra, Shimenawa còn được cho là có mối liên hệ với thần thoại Shomin Shorai (蘇民将来). Truyền thuyết kể về một người đàn ông nghèo tên Shomin Shorai đã cứu giúp Susanoo khi vị thần giả dạng một người hành khất. Nhiều năm sau, Susanoo đã quay trở lại nhà của Shomin Shorai để trả ơn bằng cách trao vòng hoa kết bằng lau sậy hoặc một lá bùa ghi chữ “Tôi là hậu duệ của Shomin Shorai”
Tùy theo các phiên bản khác nhau của truyền thuyết. Nhờ vậy, gia đình của Shomin Shorai trở thành những người duy nhất sống sót qua thời kỳ dịch bệnh. Từ đó, trong dân gian phát triển loại bùa chú Shomin Shorai giúp xua đuổi bệnh tật, trừ tà, cầu bình an theo dạng thẻ gỗ ghi câu “Tôi là hậu duệ của Shomin Shorai” hoặc được bện lại từ rơm rạ gắn thêm thẻ gỗ. Vì Shimenawa cũng tết từ sợi gai dầu hoặc rơm rạ mới thu hoạch giống bùa hộ mệnh Shomin Shorai nên sợi dây thiêng được cho là có mối liên hệ mật thiết với truyền thuyết này và mang trong mình sức mạnh linh thiêng.
Hình dáng đặc biệt của Shimenawa
Shimenawa (注連縄) là vật đánh dấu, phân biệt khu vực linh thiêng với phần còn lại của thế giới. Nếu dùng để trang trí năm mới, nó sẽ được gọi là “注連飾り – Shimekazari”.
Shimenawa được tết thành nhiều hình dạng khác nhau như kiểu đường thẳng Ichimonji (一文字), kiểu Daikonjime (大根締め - củ cải), kiểu Goboushime (ゴボウ締 - củ ngưu bàng) hay kiểu vòng tròn Wakazari (輪飾り).
Cấu tạo của một sợi thừng Shimenawa bao gồm phần đầu được gọi là Moto, tiếp đó là các nút bện được tết theo 2 kiểu bện trái hoặc phải, sau cùng được cột lại ở phần đuôi. Với kiểu Daikonjime, dây thừng được bện nhỏ dần về hai đầu, còn với Goboushime, chỉ có phần đuôi được thắt nhỏ hơn.
Giữa các nút bện sẽ có thêm phần trang trí ở phía dưới là các búi rơm “Shime no Ko” (〆の子) và giấy Washi gấp theo hình zic-zắc “Shide” (紙垂). Phần trang trí này nằm cách nhau một khoảng và thường theo số lượng 3, 5 hoặc 7. Do vậy, Shimenawa còn được gọi là “七五三縄 – Thất ngũ tam thằng”, tức "dây thừng 7-5-3".
Với ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần, những điều may mắn sẽ đến với gia đình, người Nhật Bản thường treo shimenawa ở trước của nhà vào những ngày đầu năm mới. Cách trang trí của shimenawa có thể ở mỗi nhà sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung, chúng đều mang những màu sắc sặc sỡ, ấm cúng, tượng trưng cho những điều tốt lành, bình yên luôn hiện diện trong cuộc sống của gia đình ngưởi chủ của Shimenawa.
Shimenawa là một trong những vật không thể thiếu trong ngày tết Nhật Bản nó mang mong muốn của gia chủ cho một năm mới. Shimenawa góp phần tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa Nhật Bản, một nét văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc không bị hòa lẫn vào bất cứ nền văn hóa nào.