Nhật Bản từ lâu đã vang danh thế giới về nền ẩm thực đậm nét truyền thống và thiên nhiên. Những món ăn của Nhật Bản khiến du khách nhớ mãi dù chỉ ăn một lần bởi hình thức đẹp tinh tế và cả hương vị hấp dẫn. Cụ thể với mỗi chiếc bánh của Nhật Bản, người ăn sẽ có cảm giác như thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.
1. Mochi
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản là nhắc đến bánh, vậy thì nhắc đến bánh là phải nhắc đến Mochi, linh hồn của các loại bánh Nhật Bản. Những chiếc bánh lâu đời, nhỏ nhắn, đơn giản và cũng đậm nét đặc trưng của “xứ hoa anh đào” luôn khiến du khách thích thú.
Ở Nhật Bản, có hàng trăm loại bánh Mochi khác nhau với rất nhiều hương vị được mọi người thêm vào. Tuy vậy, vẫn có những loại bánh Mochi thông dụng mà hầu như mọi người ở Nhật Bản đều biết đến. Các loại bánh Mochi thông dụng có thể kể ra như: Daifuku Mochi, Kusa Mochi, Ichigo Daifuku Mochi, Sakura Mochi, Hanabira Mochi, Hishi Mochi, Warabi Mochi, Kinako Mochi, Kiri Mochi, Ice Cream Mochi, Oshiruko Mochi, Hanabira Mochi, Natto Mochi, Zunda Mochi, Nagamashi Mochi, Iwai Mochi, Kashiwa Mochi,…
Để tạo nên chiếc bánh Mochi hoàn chỉnh, người Nhật sử dụng loại gạo nếp dẻo, ngọt và có độ kết dính cao. Người làm bánh sẽ trộn đều gạo với đường, nước cốt dừa và đem đi hấp cách thủy. Khi gạo đã chín thành cơm và có mùi thơm sẽ được cho vào cối giã nát để tạo thành một khối bột mịn. Bánh Mochi sau khi tạo thành sẽ có hình dáng của những khối tròn nhỏ trông rất dễ thương. Khi ăn, bánh có vị ngọt, dẻo và mùi thơm dịu nhẹ của gạo. Ngoài ra, cũng có thể tạo thêm nhiều màu sắc và mùi vị cho những chiếc bánh Mochi bằng cách trộn thêm các nguyên liệu khác vào vỏ bánh và bên trong nhân bánh. Các nguyên liệu thường xuyên được sử dụng có thể kể tên như chocolate, kem tươi, đậu đỏ, đậu xanh, matcha,… Nhưng thứ nhân phổ biến và được yêu chuộng nhiều nhất của Mochi đó chính là đậu đỏ.
2. Dango
Dango là một loại bánh truyền thống của người Nhật, có tuổi đời phải lên tới khoảng 400 năm tuổi. Dango khá giống với các loại bánh trôi của Việt Nam, bởi chúng được làm bằng bột gạo (Mochiko) và được trộn và nhào cùng nước nóng để tạo ra các khối hình tròn truyền thống. Dango thường được nặn rồi được xiên trên các xiên tre, khoảng 3-5 bánh trên một xiên.
Dango là món ăn chơi, rất bình dị và được dùng quanh năm, nhưng tùy theo từng mùa sẽ có những loại Dango khác nhau, chẳng hạn như:
Anko Dango: là loại bánh Dango nhân đậu đỏ đặc trưng, đậu đỏ sẽ được xay nhuyễn và nấu chín, sau đó trộn với đường để làm tăng sự ngọt ngào trong nhân bánh. Một lớp sốt đỏ đặc trưng sẽ được rắc đều lên các xiên bánh.
Mitarashi Dango: đây là loại bánh rất thích hợp cho những người đang ăn kiêng, ăn ít đường và ít ngọt bởi hương vị thanh thanh, nhẹ nhàng mà không quá ngọt. Một lớp nước tương sền sệt sẽ bao phủ bên ngoài vỏ bánh, giúp vừa tạo độ ngọt mà vừa có vị mặn, một sự kết hợp rất hoàn hảo.
Chadango: Với những ai yêu thích hương vị trà xanh thì Chadango chính là chính là hương vị không thể bỏ qua. Vị bánh Dango được trộn cùng bột trà xanh, tạo hương vị đặc trưng và màu xanh bắt mắt, không những vậy, rắc bên trên vỏ bánh là hương vị đậu đỏ quen thuộc.
Bocchan Dango: Một sự kết hợp độc đáo với mỗi miếng bánh trên xiên sẽ là một hương vị khác nhau. Thông thường, Bocchan Dango sẽ chỉ có ba màu đặc trưng cho ba hương vị bao gồm: đỏ, xanh và vàng. Màu đỏ chính là hương vị của bánh đậu đỏ, màu xanh là của bánh trà xanh và vàng là hương trứng béo ngậy.
Hanami Dango: Một hương vị bánh đặc trưng trong mùa hoa anh đào nở – Hanami Dango là sự kết hợp của ba màu sắc gồm hồng, xanh và trắng, tượng trưng cho những bông hoa anh đào tươi tắn. Nhâm nhi những xiên bánh ngọt ngào cùng với những tách trà xanh thơm ngát chính là một trải nghiệm đầy thú vị cho du khách khi ngắm màu hoa anh đào nở.
Kusa Dango: Là một loại bánh có hương vị khá đặc biệt, trong quá trình nhào bột, người ta sẽ ướp cùng một loại lá có tên Yomogi – ngải cứu Nhật. Chính sự kết hợp này đã tạo một chất riêng trong hương vị bánh, vừa thanh nhẹ, lại vừa ngọt ngào.
3. Manju
Đây có lẽ là món tráng miệng phổ biến nhất của Nhật Bản, thường được dùng để ăn kèm khi uống trà. Manju là một loại bánh bao Nhật Bản được hấp theo kiểu Trung Quốc. Hầu hết là một chiếc bánh giống như bánh mì với kết cấu nhân đặc như đậu đỏ. Nó tương tự như bánh Mochi, ngoại trừ việc bột của nó có kết cấu của một chiếc bánh mì, không giống như mochi có vị dai và đàn hồi.
Theo truyền thống, Manju được hấp, nhưng chúng cũng có thể được nướng trong lò nướng. Phần lớn Manju là bánh ngọt, nhưng có những phiên bản bánh mặn chứa đầy thịt hoặc cá. Chúng thường có thể được tìm thấy tại các quầy hàng trên đường phố hoặc ở Konbini. Manju thường được tặng cho bạn bè hoặc thành viên gia đình như một món quà lưu niệm.
4. Dorayaki
Nếu du khách là fan của bộ truyện Doraemon đình đám và đặc biệt có cảm tình với chú mèo máy cùng tên thì hẳn du khách luôn luôn nhớ món ăn ưa thích của chú ta, đó là chiếc bánh rán Dorayaki. Và món bánh rán này cũng là một trong những món ăn vặt phổ biến nhất của người dân “xứ Phù Tang”.
Bánh rán Dorayaki đã xuất hiện khá lâu trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Theo tài liệu lịch sử thì Dorayaki ra đời trong giai đoạn Taisho (1912-1926) với hình dạng ban đầu là gồm một lớp bánh được gấp lại. Và cho đến năm 1914, Dorayaki mới có 2 lớp bánh được phát minh ra bởi cửa hàng Usagiya ở quận Ueno giống như hình dáng của bánh ngày nay.
Bánh Dorayaki truyền thống có phần nhân bánh được làm từ đậu đỏ. Phần vỏ là sự kết hợp của 2 lớp bánh tròn, dẹt được làm từ bột mịn, nướng vàng và được phết mật ong bên trong. Dần dần, theo sự thay đổi của thời gian, người Nhật còn sáng tạo ra thêm nhiều loại nhân khác để nó có thể đa dạng và hấp dẫn hơn như: nhân đậu xanh, đậu trắng, hạt dẻ, nhân kem, cafe, trà xanh matcha, chocolate, các loại mứt (mứt cam hay mứt dâu),…
5. Taiyaki
Taiyaki được biết đến nhiều nhất với cái tên “bánh cá”, bởi bản thân từ “Taiyaki” trong tiếng Nhật có ý nghĩa là “bánh cá tráp nướng”. Thêm nữa, hình dáng của loại bánh này cũng rất giống một chú cá đã được nướng vàng.
Bánh cá Taiyaki có vỏ làm từ bột mì, trứng, đường và nhân đậu đỏ Azuki. Loại bánh này được làm từ khuôn hình cá chuyên dụng và có điểm đặc trưng là rất ngọt. Sau khi đổ bột vào những chiếc khuôn được vài phút, người thợ làm bánh sẽ khéo léo đổ nhân vào. Sau khi thấy mặt bánh đã vàng, hai nửa chiếc bánh sẽ được úp hai lại với nhau, sau đó nướng cho đến khi vàng rộm. Khi bánh đã chín, người làm bánh sẽ phết một lớp bơ ngoài bề mặt “chú cá tráp” này để tăng thêm vị béo và thơm. Bánh Taiyaki ngon nhất khi ăn nóng. Ruột bánh bên trong sẽ rất mềm mại trong khi lớp vỏ ngoài lại giòn tan chính là điểm đặc biệt của loại bánh này. Cắn một miếng bánh, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt lan tỏa, nhân đậu đỏ vừa nóng vừa mềm sẽ mịn như tan ra trong miệng.
Ngày nay, ngoài loại bánh nhân đậu đỏ azuki truyền thống, bánh Taiyaki còn nhiều biến tấu với các loại nhân khác như chocolate, phô mai, trà xanh,… Thậm chí đã có một số cửa hàng còn chế biến cả loại bánh Taiyaki mặn với các loại nhân xúc xích, Okonomiyaki, Gyoza.
6. Senbei
Senbei là một loại bánh gạo truyền thống, đặc trưng của Nhật Bản. Khác với bánh gạo Hàn Quốc, bánh gạo của Nhật Bản là loại bánh khô. Món bánh này được chế biến từ nguyên liệu chính là bột gạo hay bột mì, tạo hình rồi được đem đi nướng chín trong lò nướng hoặc sử dụng sức nóng của bếp than củi. Ngoài cách nướng trên bếp than củi, người thợ làm bánh còn sử dụng những chiêc kẹp “kata” với nhiều hình dạng và kích thước để nướng và tạo hình cho Senbei.
Senbei thường được dùng kèm với trà xanh. Món này được xem như một món ăn giản dị dành cho quan khách đến nhà và đây chính là các đãi khách nhẹ nhàng mà vẫn vô cùng lịch sự.
Tuy là món truyền thống, đặc trưng của Nhật Bản nhưng Senbei lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Món này được du nhập và Nhật Bản và trở nên quen thuộc từ thời kì Nara. Ban đầu, bánh Senbei khá đơn giản, được tạo ra từ 2 nguyên liệu cực kì đơn giản là bột mì và đường. Sang đến thời kỳ Edo, sau sau đó là thời Tokugawa, Senbei trở nên hấp dẫn hơn nhiều khi có thêm nhiều sáng tạo trong phương pháp chế biến.
Các hình dạng, kích thước và hương vị của bánh gạo Senbei trở nên phong phú hơn rất nhiều. Và cũng từ đó, ta có 2 loại bánh gạo khô của ngày nay là Senbei làm từ bột mì và Senbei làm từ bột gạo.
7. Imagawayaki
Imagawayaki là một trong các loại bánh Nhật Bản dễ làm giống như bánh kếp được nhét đầy nhân đậu đỏ bên trong. Các loại bánh Imagawayaki gần đây cũng được cải tiến thêm các loại như mứt trái cây, mãng cầu, thịt, khoai tây và cà ri bên trong. Imagawayaki được biết đến bởi hàng tá tên khác nhau tùy thuộc vào khu vực và loại nhân bên trong.
Nó được làm từ bột bánh trong một chiếc chảo đặc biệt tương tự như bánh Waffle và có thể chứa nhiều loại nguyên liệu bao gồm bột đậu adzuki, sữa trứng vani, chất bảo quản, thịt, rau,…
8. Yaki manju
Đây là món bánh đặc sản của vùng Gunma – nơi hội tụ hơn 100 suối nướng nóng. Cũng chính vì thế mà món bánh này thường gắn liền với các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng.
Yaki manju là món bánh bao ngọt nhân đậu đỏ hấp được nướng lên qua than, ăn kèm với sốt Miso ngọt. Bánh có vỏ giòn bên ngoài, khi cắn vào sẽ có vị ngọt mùi, nóng ấm rất hợp ăn vào mùa đông.
9. Sata Andagi
Sata Andagi là một trong các món bánh đường hình tròn từ quần đảo Okinawa. Tên của món bánh này có nghĩa là “đường chiên giòn” trong ngôn ngữ Okinawa. Sata Andagi cứng và giòn ở bên ngoài và giống như bánh ở bên trong.
Mặc dù món bánh này sử dụng rất nhiều đường, nhưng nó có vị rất nhẹ, vì vậy những người không thích ăn quá ngọt vẫn có thể ăn được món bánh này. Ngoài ra, nó là một món quà lưu niệm phổ biến vì thời hạn sử dụng lâu, bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vài ngày.
Sata Andagi thủ công được làm bằng bột mì, đường, sữa và lòng đỏ trứng, và nó giòn ở bên ngoài và mềm bên trong. Hương vị của nó khác hẳn với bánh rán, vì vậy, nó thực sự đáng để thử ngay cả khi du khách là người ưa thích món bánh Donut.
10. Karukan
Karukan là một loại bánh đậu đỏ và là đặc sản của Kyushu. Đây là một miếng bánh dẻo màu trắng đàn hồi và các thành phần của miếng bánh bao gồm bột gạo, đường, nước và khoai lang nghiền của Nhật Bản. Karukan thông thường trông giống như một miếng bánh mì trắng dày mà không có lớp vỏ.
Hấp là phần quan trọng nhất để tạo ra Karukan hoàn hảo. Karukan lý tưởng sẽ có kết cấu xốp nhẹ nhưng hấp quá nhiều sẽ làm cứng bột, trong đó quá ít hấp sẽ dẫn đến karukan không chín được. Mặc dù Karukan ban đầu được yêu thích như một loại bánh kẹo truyền thống ở dạng khối, nhưng trong những năm gần đây, nó trở nên phổ biến hơn và được lấp đầy bên trong bằng bột đậu đỏ.
Các cửa hàng lưu niệm và quán cafe ở nhiều thành phố trên khắp Kyushu bán rất nhiều bánh karukan thường bao gồm bột đậu đỏ hoặc các thành phần ngọt truyền thống khác ở nhân bên trong. Ví dụ, một món tráng miệng có tên Karukan Manju có nghĩa là một chiếc bánh Karukan chứa đầy đậu đỏ bên trong.
11. Uiro
Uiro là một loại bánh hấp được làm từ bột gạo và đường trộn trong nước, đổ vào khuôn và hấp. Chúng có hương vị thơm ngon được làm từ các thành phần tự nhiên như Anko, Kinoko, Matcha, Yuzu, dâu tây hoặc hạt dẻ. Uiro là một món bánh nước Nhật Bản được yêu thích khi uống trà, được chuẩn bị với màu sắc theo mùa để phản ánh hương vị mùa thu hoặc mùa xuân.
Có nhiều loại Uiro, với các hương vị khác nhau từ Azuki (đậu đỏ), trà xanh (Matcha), Yuzu (cam quýt Nhật Bản), dâu tây, hạt dẻ, Sakura hoặc đường nâu. Ngoài sự đa dạng về hương vị, Uiro thường có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, đen, nâu, xanh lá cây, tím hoặc hồng. Ngoài tất cả các hương vị và màu sắc, còn có Uiro theo mùa và Uiro sự kiện đặc biệt được bán trong dịp Valentine, Giáng sinh, và các sự kiện khác của Nhật Bản.
12. Mont Blanc
Mont Blanc là một trong các loại bánh ngọt Nhật Bản theo phong cách Ý được làm bằng hạt dẻ xay nhuyễn cực kỳ phổ biến ở Nhật Bản với hàng trăm loại đã được điều chỉnh theo khẩu vị địa phương. Món bánh này thường có mặt trong những dịp lễ đặc biệt và thường xuất hiện vào mùa xuân. Tạo hình của bánh giống ngọn núi phủ tuyết trắng.
Được chuyển thể từ một loại bánh ngọt tương tự của Pháp, người Nhật từ đó đã làm món Mont Blanc của riêng họ (giống như mọi món ăn khác). Một Mont Blanc điển hình của Nhật Bản có một lớp bánh xốp ở đáy, sau đó xen kẽ kem Nama và kem hạt dẻ ở trên. Thông thường, toàn bộ hạt dẻ sau đó được ép vào kem để thêm hương vị và kết cấu. Cuối cùng, món bánh này sẽ được bơm khá nhiều kem hạt dẻ trên đỉnh đầu. Điều này khiến cho bánh Mont Blanc có vẻ ngoài đặc biệt giống như Spaghetti.
13. Crepe
Khởi nguồn từ một món điểm tâm của Pháp, khi du nhập sang đất nước Nhật Bản, với sự sáng tạo và khéo léo của những đầu bếp tại đây, bánh Crepe đã trở thành món ăn đầy mới lạ và lôi cuốn.
Crepe là một loại bánh Pancake mỏng và tròn lăn bên trong. Để làm bánh Crepe cần dùng đến loại bếp có bề mặt phẳng, tròn đều và bột mì Nhật Bản. Khi bếp nóng đủ độ, đầu bếp sẽ nhanh tay đổ bột, tráng thành những lớp mỏng, xếp nhân và cuộn những chiếc bánh thành hình tam giác. Những lớp vỏ bánh vàng ươm, nóng hổi và thơm phức, đem lại cảm giác hấp dẫn ngay từ khi mới được hoàn thành.
Về phần nhân bánh, thực khách có rất nhiều lựa chọn khác nhau với các loại hoa quả, mứt, chocolate, kem và kem tươi. Khi ăn, thực khách sẽ thấy các lớp nhân được xếp gọn trong lớp vỏ bánh mềm và dai, đem lại sự kết hợp đầy hấp dẫn giữa vị ngậy béo mà mát lạnh của kem và kem tươi, vị tươi mát của hoa quả hay vị đắng nhẹ từ chocolate.
14. Melonpan
Melonpan là một loại bánh mì ngọt có hình trái dưa gang rất phổ biến ở Nhật Bản. Bánh được bao phủ bởi một lớp vỏ giòn tan cùng với nhân kem bên trong.
Tên gọi “Melonpan” xuất phát từ 2 ngôn ngữ: “melon” có nghĩa là “quả dưa gang” trong tiếng Anh, còn “pan” có nghĩa là “bánh mì” từ tiếng Bồ Đào Nha. Mặc dù có tên là “Melonpan” nhưng thực chất hầu hết những chiếc bánh này đều không có vị dưa gang mà thay vào đó là chocolate chip, dứa, các loại siro, sữa trứng… Nhưng ở thành phố Kamisu, tỉnh Ibaraki, một tiệm bánh có tên là Kokado đã làm những chiếc bánh Melonpan được mệnh danh là “chuẩn mực và tuyệt vời” nhất Nhật Bản. Melonpan của Kokado luôn có một mùi thơm đặc trưng, cùng với đó là vị ngọt của dưa gang đích thực mà không nơi nào khác có thể làm được bởi phần ruột bánh ở đây được làm từ nước ép dưa gang thay cho nước thông thường.
15. Anpan
Anpan là một loại bánh mì Nhật Bản, thường có nhân đậu đỏ. Món bánh Anpan được cho là lần đầu tiên được sản xuất vào năm 1875 bởi một người từng là Samurai. Qua nhiều năm, nó ngày càng được người dân địa phương yêu thích hơn vì nó có hương vị ngọt ngào quen thuộc của anko hoặc bột đậu đỏ, một thành phần truyền thống của Nhật Bản thường được sử dụng để tăng vị ngọt của các món ăn.
Khi du khách cắn một miếng, du khách có thể thưởng thức vị ngọt tuyệt vời được bọc trong một lớp bột mềm. Một số bánh còn có thêm hương vị Sakura mặn để giúp cho bánh mì tăng thêm vị mặn mặn và chua.
16. Bánh mì nướng mật ong
Bánh mì nướng mật ong là một món tráng miệng với một miếng bánh mì nướng dày được phủ Caramen bơ, mật ong, kem, trái cây và các topping ngọt khác.
Đây luôn luôn là một món tráng miệng lớn do kích thước của nó bằng một bộ ổ bánh mì Sandwich. Bánh mì nướng mật ong thường được bán tại các quán cafe ở Nhật Bản và thường được xem như một cách để kỷ niệm một dịp đặc biệt như sinh nhật và thay thế cho bánh kem Nhật Bản.
17. Bánh su kem
Những chiếc bánh kem lạnh này là những chiếc bánh được nướng với lớp trên ngọt, giòn và chứa đầy một lớp kem béo bên trong. Đây là một món tráng miệng được làm dựa trên bánh ngọt choux của Pháp với lớp vỏ mỏng bên ngoài nhưng hơi giòn. Bên trong được bóp đầy bằng một loại sữa trứng ngọt, kem, ngon lành. Trước khi phục vụ, món bánh này sẽ được phủ nhẹ bằng đường bột ngọt.
Trong khi bánh su truyền thống sử dụng nhân sữa trứng màu vàng, hiện nay còn có các loại nhân với hương vị khác nhau như chocolate, trà xanh hoặc matcha, hương vị trái cây như kem dâu tây hoặc quả việt quất, hoặc thậm chí kem có hương vị cà phê hoặc bơ đậu phộng.
18. Matcha Roll Cake
Matcha Roll Cake là loại bánh trà xanh được cuộn với kem Anko (đậu đỏ ngọt). Món tráng miệng kiểu phương Tây này có hương vị truyền thống của Nhật Bản, tuy nhiên, nó đủ nhẹ để trở thành một món tráng miệng hoàn hảo sau bất kỳ loại bữa ăn nào.
Phần nhân kem bên trong chiếc bánh này có hương vị đậu đỏ, một thành phần rất phổ biến cho món tráng miệng của Nhật Bản. Bằng cách trộn với kem đánh bông, đậu đỏ trở thành một hương vị nhẹ hơn để hai hương vị lớn không hòa lẫn vào nhau.
19. Castella
Bánh Castella, hay còn gọi là Kasutera trong tiếng Nhật, là một loại bánh bông lan nổi tiếng ban đầu được các thương nhân Bồ Đào Nha giới thiệu đến khu vực Nagasaki vào thế kỷ 16. Tên này có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha Pão de Castela, có nghĩa là bánh mì từ Castile. Castella chỉ được làm từ 4 thành phần cơ bản: bột bánh mì, trứng, đường và mật ong.
Sự khác biệt giữa bánh xốp mật ong Nhật Bản và bánh xốp phương Tây thông thường là bánh Castella tinh tế và bồng bềnh hơn trong kết cấu nhờ bọt trứng đánh bông lên. Không có bơ, dầu hoặc bất kỳ chất men nào như muối hoặc bột nở. Nó cũng sử dụng bột bánh mì (hàm lượng gluten cao hơn) thay vì bột mì thông thường để đạt được kết quả mềm xốp với một chút vị ngọt từ mật ong. Do đó, món bánh này rất tuyệt vời để thưởng thức với trà xanh hoặc cà phê đá trong mùa hè.
20. Bánh bông lan phô mai
Bánh bông lan phô mai là món tráng miệng yêu thích của người Nhật. Là sự kết hợp hoàn hảo giữa bánh xốp và bánh pho mát cả về hương vị lẫn kết cấu.
Ưu điểm của chiếc bánh hảo hạng này là nó không quá ngọt như một số loại bánh ngọt khác. Sự kết hợp của cốt bánh bông lan và kem phô mai trong chiếc bánh này là hoàn toàn tuyệt vời. Bánh bông lan phô mai có kết cấu bông lan mềm mịn, nhẹ như bánh soufflé của Pháp, vừa có độ ngọt vừa phải, hoàn hảo và mềm mại với một chút hương thơm phô mai thoang thoảng.
21. Tokyo Banana
Tokyo Banana là một loại bánh ngọt của Nhật Bản có hình dạng như chuối. Phiên bản ban đầu chứa đầy sữa trứng chuối bên trong và được bọc bởi miếng bánh bông lan mềm mịn và xốp.
Hương vị ban đầu được gọi là “Tokyo Banana Miitsuketa”, và nhân bên trong là một loại kem sữa trứng chuối béo thơm và sử dụng chuối nghiền nhuyễn. Sau khi nướng, bánh xốp được hấp để mang lại một kết cấu mềm mại và bông xốp.
22. Takoyaki
Takoyaki là món ăn vặt vô cùng phổ biến và được ưa thích của người dân Nhật. “Tako” nghĩa là bạch tuộc; còn từ “yaki” có nguồn gốc là từ “yaku” có nghĩa là chiên hoặc nướng. Như vậy, “Takoyaki” nghĩa là “bánh bạch tuộc nướng”. Bánh có hình dạng tròn như trái bóng nhỏ, rất dễ cầm và ăn chỉ với một cây tăm.
Để làm nên những chiếc bánh Takoyaki, cần có những nguyên liệu chính gồm: bột mì, bột Dashi, bột Tenkasu, trứng gà, hành chua, bắp cải, gừng và không thể thiếu bạch tuộc.
Những chiếc bánh Takoyaki khá dễ làm nhưng để tạo ra được những viên bánh tròn vo, láng mịn thì lại đòi hỏi người chế biến có đôi bàn tay khéo léo cùng sự khiên nhẫn khi đổ bột. Những đôi tay thành thạo, khéo léo lật ngược chiếc bánh một góc 90 độ khi phần lớp bột phía dưới se se mặt, phần phía dưới sẽ tiếp tục được tạo hình tròn. Thật thú vị khi nhìn những đầu bếp tài ba sử dụng chiếc que kim loại nhỏ đảo liên tục, đều tay những viên bánh cho tới khi tròn xoe và láng mịn với màu vàng ruộm quyến rũ. Chính nhờ cách chế biến đặc biệt này mà lớp vỏ bánh rất giòn, phần bên trong lại nóng hổi, thơm phức, hấp dẫn.
Bánh Takoyaki khi chín sẽ được rưới nước sốt Takoyaki hoặc xì dầu và Mayonnaise. Sau đó, người ta rắc thêm chút rong biển tán nhỏ, chút vụn cá ngừ khô bào mỏng (đặc biệt phải là loại cá ngừ Nhật Bản mới mang lại hương vị chính xác và đậm vị cho chiếc bánh). Màu vàng của bánh, màu nâu nhạt của nước sốt, màu xanh của rong biển và màu trắng của cá khô tạo nên một tác phẩm ẩm thực hấp dẫn cả hương lẫn sắc.
23. Okonomiyaki
Okonomiyaki, hay “bánh xèo Nhật Bản” là món ăn vặt nổi tiếng của người Nhật. Tên bánh Okonomi có nghĩa là “thứ bạn thích/muốn”, đồng nghĩa với việc bạn có thể cho bất cứ thứ gì bạn muốn lên trên và đem nướng lên trên chảo teppan (một dạng bàn nướng). Bánh Okonomiyaki truyền thống được làm từ một ít bột dạng lỏng, bắp cải xắt mỏng, bạch tuột cùng một số nguyên liệu tự chọn.
Có hai loại bánh Okonomiyaki là bánh Okonomiyaki kiểu Kansai và Hiroshima. Mỗi loại mang phong các đặc trưng của từng vùng và có hương vị khác nhau. Kiểu bánh xèo vùng Kansai là sự kết hợp đơn giản của bắp cải, bột mì và trứng được nấu trên một vỉ nướng sắt và sau đó phủ lên trên thịt heo thái lát và nước sốt thịt nướng thơm lừng. Trong khi kiểu bánh ở Hiroshima, được làm bằng cách nấu bột và bột trứng, sau đó đổ lên bắp cải và các loại topping khác cùng với mì cho đến khi giòn.
Trên đây là những điều thú vị về 23 món bánh hấp dẫn của “xứ Phù Tang”. Nếu du khách có hứng thú và muốn một lần thưởng thức qua hương vị thơm ngon của chúng, hãy thực hiện một chuyến du lịch Nhật Bản nhé! Chúng tôi luôn đồng hành cùng du khách!
(sưu tầm)