Phú Sĩ, Haku và Tateyama được coi là ba "ngọn núi thánh" biểu tượng cho giá trị tâm linh của đất nước mặt trời mọc.
Núi được xem là một phần của văn hóa Nhật Bản vì mối liên hệ của chúng với tôn giáo. Đạo gốc của người Nhật là Thần đạo (Shinto). Đây là một tôn giáo theo thuyết vật linh, tôn thờ các yếu tố tự nhiên như sông hồ, cây cỏ, núi non, và các linh hồn.
Người Nhật cho rằng ba ngọn núi Phú Sĩ, Haku và Tateyama ẩn chứa sức mạnh đặc biệt. Nhiều người cảm thấy sảng khoái cả về thể chất và tinh thần sau khi đến những địa điểm linh thiêng này. Ngày nay, người Nhật vẫn gìn giữ thói quen leo núi để cầu khấn và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
Phú Sĩ: Sức mạnh của núi lửa
Phú Sĩ là ngọn núi nổi tiếng nhất và cao nhất Nhật Bản. Nó đã được coi là một chốn linh thiêng từ thời của người Ainu tại Nhật Bản. Ngày nay, Phú Sĩ là điểm đến yêu thích của nhiều tín đồ Phật giáo và Thần đạo.
Núi Phú Sĩ cũng thu hút du khách trong và ngoài nước quanh năm nhờ vẻ đẹp ấn tượng. Họ có thể chiêm ngưỡng hoa anh đào vào mùa xuân, cắm trại và ngắm hoa oải hương vào mùa hạ. Tới mùa thu, rừng cây trên núi Phú Sĩ đổi sang lớp áo vàng óng và rực rỡ. Còn mùa đông, nơi đây biến thành một tấm thảm trắng muốt giữa nền trời xanh, được dệt bởi vô vàn bông tuyết.
Nhưng để chinh phục ngọn núi cao tới 3.776m này, du khách chỉ nên đến vào mùa hè. Gợi ý tốt nhất là leo núi qua đêm và đón bình minh rực rỡ trên đỉnh núi vào sáng sớm hôm sau.
Núi Haku: Sức mạnh của nước
Người ta tin rằng núi Haku và các dòng sông của nó mang lại sức sống cho vùng đất dưới chân núi. Núi Haku là nơi bắt nguồn của các sông Kuzuryu, sông Tedori và sông Nagara, cung cấp nguồn nước cần thiết cho việc canh tác của nông dân gần đó. Những ngư dân đi biển cũng coi núi Haku là cột mốc để xác định đường về nhà.
Do được bao phủ suốt hơn nửa năm trong tuyết trắng, ngọn núi cao 2.703m này là một địa điểm trượt tuyết nổi tiếng. Tuy nhiên, việc đi bộ đường dài lên núi lại khá khó khăn do địa hình gồ ghề. Dù vậy, nhiều người vẫn không ngại vượt đường mòn để có thể ngắm nhìn hệ động thực vật phong phú và nguyên sơ của nơi đây.
Núi Haku và khu vực xung quanh đã được quy hoạch thành Vườn Quốc gia Hakusan. Mùa leo núi thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.
Núi Tateyama: Điểm đến thực hành tâm linh
Núi Tateyama hay núi Tate cao 3.015m, nằm ở nửa phía Bắc của dãy núi Kita Alps. Đây là một trong những đỉnh núi dễ tiếp cận nhất trong khu vực và được khai thác du lịch khá nhiều. Bên cạnh việc đi bộ đường dài và ngắm cảnh, mọi người còn đến đây để tắm onsen.
Theo tôn giáo, việc leo lên đỉnh Tate mô phỏng trải nghiệm của thiên đường - địa ngục và thế giới bên kia. Việc leo núi đã phổ biến từ những năm 1.600. Trước đây, các nhà sư thường trải qua quá trình học tập Phật giáo trên núi. Còn ngày nay, các khóa tu tập và hành hương tới núi Tate đã trở nên phổ biến ngay cả với du khách.
Theo tôn giáo, việc leo lên đỉnh Tate mô phỏng trải nghiệm của thiên đường - địa ngục và thế giới bên kia. Việc leo núi đã phổ biến từ những năm 1.600. Trước đây, các nhà sư thường trải qua quá trình học tập Phật giáo trên núi. Còn ngày nay, các khóa tu tập và hành hương tới núi Tate đã trở nên phổ biến ngay cả với du khách.
(sưu tầm)