Theo từ điển ngôn ngữ học, thì loài cáo được đặt tên là Kitsune (狐) từ rất lâu trong tuyển tập dị văn có từ thời Heian (平安時代) viết năm 824. Theo truyền thuyết, ở vùng Mino (nay là tỉnh Gifu) có một anh nông dân đã tình cờ gặp một cô gái rất đẹp nên đưa về làm vợ và sinh được một con trai. Nhưng trớ trêu thay người vợ đó chính là cáo hóa ra, nên cuối cùng bị một con chó lừa cho hiện nguyên hình và phải trở lại với cuộc sống hoang dã ngày trước. Nhưng may mắn được người chồng nhất mực thương yêu gọi về ở chung. Vì trong câu nói của người chồng có từ: kitsune (来つ寝ー来て寝よ, “về nhà ngủ đi”). Chính vì vậy mà trước đây, loài cáo vốn được gọi là Yakan, sau đó được đổi thành tên mới là Kitsune.
Trong tín ngưỡng Thần đạo của Nhật Bản có rất nhiều vị thần khác nhau. Mỗi vị thần biểu tượng cho một lĩnh vực khác nhau như thần biển, thần mặt trời hay thần lửa… Trong đó Inari là vị thần đại diện cho gạo, trà và rượu sake, ba thứ đặc biệt quan trọng trong văn hóa và đời sống của người dân xứ Phù Tang. Sự sùng bái Inari lan rộng khắp Nhật Bản trong thời kỳ Edo và vào thế kỷ thứ 16 Inari đã trở thành người bảo trợ của thợ rèn và vệ thần của các chiến binh, Inari là một nhân vật nổi tiếng trong cả hai tín ngưỡng Thần đạo, Phật giáo ở Nhật Bản. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một phần ba số đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản được dành riêng cho thần Inari.
Mỗi vị thần trong truyền thuyết sẽ chọn cho mình một linh vật để làm sứ giả cho riêng mình. Và Hình tượng con cáo, viên ngọc như ý là biểu tượng nổi bật của Inari. Do đó, những đền thờ thần Inari thường sẽ có tượng cáo nhỏ đóng vai trò như những người bảo vệ đền thờ. Những ngôi đền có thờ thần này thường được gọi là đền thờ Inari (稲荷神社, “Inari Jinja”). Phần lớn các bức tượng đá khắc họa hình tượng cáo Inari được nhìn thấy thường quấn với yếm đỏ. Trong tín ngưỡng Thần đạo, màu đỏ là màu của các vị thần và được cho là có tác dụng xua đuổi bệnh tật cũng như các nguồn năng lượng xấu.
Trong văn học dân gian Nhật Bản, cáo thường được miêu tả là loài vật sở hữu trí thông minh và tuổi thọ cao. Chính điều này đã làm cáo trở thành hình tượng chủ yếu và là nguồn cảm hứng của phong cách nghệ thuật truyền thống được gọi là “ukiyo-e” (浮世絵) - tranh khắc gỗ thời Edo.
Mặc dù loài cáo cũng được biết đến là một biểu tượng của sự gian xảo, nhưng trong dân gian Nhật Bản, những chú cáo tinh tường sẽ đi trừng phạt những kẻ tham lam, khoác lác. Bên cạnh đó cũng có câu chuyện về những con cáo có thể biến thành một thiếu nữ xinh đẹp bị lạc đường và cần sự giúp đỡ. Sau khi mời cô gái bí ẩn này ở lại qua đêm, chủ nhà thức dậy vào sáng hôm sau cùng với rất nhiều thức ăn ngon và báu vật có giá trị.
Hình tượng cáo Inari trong văn hóa Nhật Bản hiện đại.
Mặc dù ngày nay ít người theo tín ngưỡng Thần đạo nhưng nhiều truyền thống và phong tục của tín ngưỡng này vẫn được thấy trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản. Hình ảnh cáo Inari là lời nhắc nhở con người về cội nguồn truyền thống.
Inari Sushi – món cơm cuộn đậu phụ truyền thống Nhật Bản
Inari Sushi (稲荷寿司) có lớp vỏ ngoài làm từ đậu phụ vị hơi ngọt, hay còn được gọi là “aburaage” (油揚げ). Miếng đậu phụ này được chiên lên, có hình giống như một cái túi và bên trong là cơm sushi.
Và theo quan niệm người Nhật, đậu phụ rán là món khoái khẩu của loài Cáo nên đồ cúng lễ ở những ngôi đền thờ vị thần này thường là đậu phụ rán hay là món Inari Sushi, thay vì tiền như các ngôi đền khác. Thêm vào đó, những món ăn có sự hiện diện của đậu phụ rán trong đó thường được đặt tên kèm từ “Kitsune” chẳng hạn như: Kitsune udon (きつねうどん), hay Kitsune soba (きつねそば).
Mặt nạ cáo - Kitsune
Khi tham gia một lễ hội ở Nhật Bản, các bạn sẽ thường xuyên bắt gặp một vài gian hàng bày bán nhiều loại mặt nạ đủ màu sắc, trong đó bạn có thể thấy một chiếc mặt nạ cáo Kitsune màu trắng.
Mặt nạ Kitsune thường được sử dụng trong một số nghi lễ. Theo truyền thuyết kể lại, cáo từng mang hình dáng con người và đến thăm đền Oji Inari (王子稲荷寺) ở Tokyo. Để kỷ niệm sự kiện này, hàng trăm người tham gia đã đeo mặt nạ Kitsune hoặc vẽ và trang điểm theo hình dạng của loài cáo trong các dịp như Lễ diễu hành Kitsune no Gyoretsu (狐の行列), Lễ hội múa điệu Thần cáo Tenko (天狐), Điệu múa Kitsune Mai (狐舞), Lễ rước dâu Kitsune no Yumeiri (狐の嫁入り).
Hiện nay, mặt nạ Kitsune đã được sử dụng phổ biến hơn như một món đồ trang trí và quà lưu niệm có ý nghĩa của sự thịnh vượng của đất nước này.
Đền Fushimi Inari Taisha thờ Inari nổi tiếng Nhật bản.
Trong số 30.000 ngôi đền có hình tượng cáo Inari. Thì đền được coi là đền thờ Inari chính của Nhật Bản, Fushimi Inari Taisha ở Kyoto là một địa điểm đến tuyệt vời để bạn có thể chiêm ngưỡng tượng cáo. Với một đường hầm trải dài tưởng như vô tận với khoảng 10.000 cổng torii màu đỏ, nơi đây đã trở thành một trong những địa điểm du lịch không thể bỏ qua tại Nhật Bản với đường hầm “Senbon Torii” (千本鳥居) vô tận với khoảng 10.000 cổng màu đỏ, hiện là tài sản văn hóa quan trọng và là một trong những địa điểm du lịch không thể bỏ qua tại Nhật Bản.
Trên đường đi, bạn sẽ thấy hàng trăm bức tượng kitsune làm từ đá , Các bức tượng kitsune đôi khi được làm theo hình dáng của Inari, và chúng thường đi theo cặp, đại diện cho một nam và một nữ. Những bức tượng cáo này đều giữ trong miệng của chúng các vật tượng trưng, thường là chìa khóa hoặc một cuộn giấy. Mỗi một trong những vật phẩm này đại diện cho một điều ý nghĩa đối với các vị thần.
Chìa khóa đại diện cho khả năng những con cáo này phải mở khóa một vựa lúa. Một cuộn giấy có nghĩa cáo ở đây để mang lại sự khôn ngoan cho người nhận. Ngoài ra còn có cây tre có nghĩa là một vụ mùa bội thu, và một quả cầu tượng trưng cho sức mạnh tâm linh. Các bức tượng hiếm khi tả thật; chúng thường được cách điệu hóa, mô tả một con vật đang ngồi nhìn về phía trước với đuôi của nó đang vẫy trong không khí. Mặc dù có những đặc điểm chung, các pho tượng đều có những nét riêng một cách tự nhiên; không có hai pho tượng nào giống hệt nhau.